Trong vòng một tuần qua, mối quan hệ Nga-Ukraine đã liên tục có các diễn biến leo thang căng thẳng. Giới quan sát quốc tế đã bắt đầu thì thầm với nhau những lo ngại về một cuộc chiến tranh sắp nổ ra giữa Ukraine và Nga.
Súng ống dày đặc biên giới
Khu vực biên giới hai nước đang như một thùng thuốc súng với nguy cơ phát nổ bất kỳ lúc nào. Ngày 12-8 vừa qua, Nga thông báo đã cho triển khai một đơn vị tên lửa phòng không S-400 tối tân đến Ukraine, theo RIA Novosti. Trước đó, Tổng thống Nga Putin ngày 11-8 đã triệu tập đột xuất Hội đồng An ninh Quốc gia và các lãnh đạo hải quân Nga, tuyên bố sẽ sớm tổ chức tập trận trên biển Đen. Các lãnh đạo quân đội và cơ quan tình báo nước này cũng được lệnh rà soát “các kịch bản chống khủng bố biên giới đất liền, trên biển và trên không giữa Crimea và Ukraine”, hãng Reuters cho biết. Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận Hạm đội Biển Đen tại Ukraine sẽ sớm tập trận chống các lực lượng phá hoại tấn công bất ngờ từ dưới nước.
Trong khi đó, phát ngôn viên lực lượng biên phòng Ukraine khẳng định Nga đang tăng cường số quân tại phía bắc Crimea. “Các đơn vị tăng viện được trang bị các thiết bị quân sự hiện đại và cả hỏa lực tấn công trên không” - ông Oleh Slobodyan cho biết. Tờ Ukraine Today ghi nhận xe tăng Nga đang được di chuyển rầm rộ đến hai thị trấn Armyansk và Dzhankoy, cách biên giới Ukraine chỉ 40 km. Đáp lại các động thái quân sự của Nga, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã lên tiếng kêu gọi quân đội nước này đặt trong tình trạng “cảnh giác chiến đấu cao độ”. Ông cũng ra lệnh điều động thêm quân đội dọc biên giới Ukraine.
Mối quan hệ giữa hai nước leo thang căng thẳng sau hàng loạt đợt nã pháo và giao tranh gay gắt ở miền Đông Ukraine vào tháng 7 qua. Tổng thống Poroshenko cho biết các đợt đụng độ với lực lượng miền Đông đã khiến ít nhất 42 binh sĩ Kiev thiệt mạng cùng hơn 180 người bị thương. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố nhiều khả năng lực lượng miền Đông sẽ mở một đợt tấn công mới trong tuần sau. Thiếu tá Andriy Lysenko cho biết các thiết bị quân sự hạng nặng đang được triển khai trên toàn ranh giới khu vực phi quân sự.
Nga triển khai hệ thống tên lửa S-400 đến bán đảo Crimea. Ảnh: AP.
Các đơn vị quân sự miền Đông Ukraine có thể mở đợt tấn công quy mô lớn trong tuần sau. Ảnh: REUTERS
Âm mưu “khủng bố” khó hiểu
Trước các diễn biến căng thẳng trên, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng kêu gọi các bên cần nỗ lực kiềm chế, tránh leo thang vũ trang. Tình hình xấu đi nhanh chóng kể từ sau khi phía Nga tuyên bố ngăn chặn thành công một chiến dịch tấn công phá hoại tại Crimea. Các lãnh đạo tại Kremlin cáo buộc cơ quan an ninh Ukraine đứng sau “âm mưu khủng bố” này. Trước đó, hôm 10-8, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ra thông báo chính thức về việc hai quân nhân Nga đã thiệt mạng trong quá trình ngăn chặn các vụ khủng bố ở Crimea, nhắm vào hàng loạt cơ sở tại bán đảo này. FSB cũng cáo buộc các đợt xâm nhập bắt nguồn từ lãnh thổ Ukraine và các phần tử phá hoại nhận được sự hỗ trợ bởi xe bọc thép Ukraine.
Với những động thái quân sự hàng loạt kể từ ngày 10-8 đến nay, có thể thấy điện Kremlin đang tỏ thái độ vô cùng giận dữ. Tổng thống Nga Putin cho rằng Kiev đang “chơi trò chơi nguy hiểm”. Ông Putin cho rằng: “Tôi muốn nói với các đối tác Mỹ và châu Âu rằng rõ ràng toàn bộ giới lãnh đạo Kiev hiện nay không muốn tìm kiếm một giải pháp thông qua đàm phán. Thay vào đó, họ đã lựa chọn hành động khủng bố”. Trong khi đó, Thủ tướng Dmitry Medvedev cảnh báo “nếu không còn cách nào khác để thay đổi tình hình, tổng thống có thể sẽ chấp nhận” cắt đứt mối quan hệ giữa hai nước. Ông Putin cũng cảnh báo các lãnh đạo phương Tây rằng đàm phán hòa bình Ukraine sẽ không còn ý nghĩa nếu Kiev tiếp tục có những hành động khủng bố tương tự.
Phía Kiev đã lập tức bác bỏ các cáo buộc này, tố ngược lại Nga đang cố gắng tạo cớ mở đường cho một đợt “xâm lược” khác. Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng vẫn chưa có cơ quan điều tra độc lập nào xác nhận chính quyền Kiev đứng sau vụ tấn công khiến hai nhân viên an ninh Nga thiệt mạng. Tờ Time nhận định khó có thể tưởng tượng được Kiev tiến hành khủng bố với hy vọng giành lại Crimea. Một hành động như thế sẽ quá mức “ngu ngốc, thiếu tỉnh táo và tự chuốc lấy thất bại”.
Bước kế tiếp là chiến tranh?
Tờ Wall Street Journal cho rằng Nga đang cố tạo ra một cái cớ để rút khỏi thỏa thuận hòa bình mà các bên đã đồng ý hồi tháng 1-2015 tại Minsk. Hai chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) - Franklin Holcomb và Kathleen Weinberger cho rằng “các hoạt động chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang được đẩy nhanh, khả năng chiến tranh toàn diện đang tăng cao nhanh chóng”. Hai chuyên gia trên khẳng định với những chuyển biến hiện nay, nhiều khả năng xung đột sẽ nổ ra giữa quân đội Nga và Ukraine không chỉ tại Donbass mà cả các vùng lãnh thổ khác tại Ukraine.
Trong khi đó, GS Mark Galeotti (ĐH New York) chia sẻ với New York Times rằng một cuộc xung đột quân sự toàn diện sẽ khó xảy ra. Ông cho rằng Tổng thống Nga Putin chỉ đang muốn đẩy cao căng thẳng để cải thiện vị thế mặc cả trên bàn đàm phán. Một số chuyên gia khác cho rằng khủng hoảng an ninh sẽ tái diễn tại Ukraine nhưng Nga sẽ chỉ cần những cuộc xung đột quy mô nhỏ. Ông Carl Hvenmark Nilsson thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng: “Khuôn mẫu chiến lược của Nga là chủ động đưa ra điều kiện ngừng bắn, sau đó chủ động phá vỡ các cam kết đó để đạt các lợi ích chính trị, quân sự và lãnh thổ. Chiến thuật này vừa làm suy yếu các quy tắc quốc tế về cam kết ngừng bắn, vừa khiến cộng đồng quốc tế mệt mỏi trước tiến trình đàm phán dai dẳng. Qua đó Kremlin có điều kiện kiểm soát tình hình”.