“Thuốc đắng đã tật” cho ngành hải sản Việt Nam

(PLO)- Hơn sáu năm bị gắn thẻ vàng, những thiệt hại đối với ngành hải sản Việt Nam vượt xa con số hàng trăm triệu USD. Thế nhưng may mắn thay là “thuốc đắng đã tật”…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Suốt năm 2023 đến nay, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại hàng chục tỉnh, thành có biển. Đoàn công tác đi khảo sát ở hàng chục cảng cá, đến thăm và tiếp xúc với hàng ngàn ngư dân, trao đổi với rất nhiều lãnh đạo từ trung ương đến địa phương liên quan đến việc quản lý chống lại hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Một điểm chung mà chúng tôi ghi nhận từ thực tế đó là: Nhiều người đến nay cũng không ngờ rằng Ủy ban châu Âu (EC) lại gắn thẻ vàng với hải sản Việt Nam lâu đến thế. Đã từng có thời điểm vào năm 2018, EC gia hạn thẻ vàng thêm sáu tháng, thế mà đến nay đã quá sáu năm, thẻ vàng vẫn còn đó.

Đến tận các gia đình hoặc ra thăm các cảng cá, rất nhiều bà con ngư dân, thậm chí các anh biên phòng, các nhà chức trách quản lý đánh bắt hải sản bộc bạch với chúng tôi: “Đâu có ngờ họ (EC) làm “căng” đến vậy. Ở nước mình, bà con hàng trăm năm qua cứ mặc nhiên áp dụng tập quán đánh bắt thô sơ, đâu có nghĩ điều đó nguy hại đến môi trường biển đến vậy”.

Hay như có anh ngư dân từng bị lực lượng chấp pháp Philippines bắt giữ vì “đánh cắp” hải sản trên vùng biển của họ, phải chịu cảnh tù tội và trắng tay sau chuyến hải trình phạm pháp cũng nói: “Đâu có ngờ hậu quả lớn đến vậy. Tôi thấy rất xấu hổ, tởn tới già”…

Còn nhiều chuyện mà trước đây nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan quản lý cũng đâu có ngờ, như thứ hạng xuất khẩu hải sản trượt dốc, kim ngạch xuất khẩu bốc hơi hàng trăm triệu USD, hải sản muốn sang thị trường EU phải rất gian nan, làm đội chi phí, công sức, thời gian, đã vậy hàng xuất đi cũng không được giá.

Hơn sáu năm qua, thẻ vàng của EC quả thật là một liều thuốc đắng và may mắn thay “thuốc đắng đã tật”.

Những năm qua, từ trung ương đến địa phương, từ lực lượng chấp pháp đến các hộ ngư dân đã nỗ lực, nhất là trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý chống đánh bắt trái phép.

Quốc hội thông qua Luật Thủy sản 2017; Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phát hành Sách trắng về chống khai thác IUU năm 2018; xây dựng chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2024; cùng nhiều văn bản pháp lý, các chỉ thị, chỉ đạo từ Chính phủ, chính quyền các địa phương trên cả nước.

Trong chuyến khảo sát thực tế trước Diễn đàn “Đáp lời ngư dân” ở Phú Yên vào cuối năm ngoái, chúng tôi đến thăm nhiều chủ tàu U-70 và được họ khoe: “Bây giờ tôi ở nhà chỉ cần bật điện thoại là biết tàu đang ở đâu, không có chuyện đi nhầm sang biển nước khác”. Bà con ngư dân ở nhiều địa phương khác cũng cho biết Nhà nước tuyên truyền và hỗ trợ họ rất nhiều khi bám biển, đồng thời các cơ quan chức năng cũng giám sát rất chặt, hễ vi phạm là bị xử rất nghiêm. Hầu hết bà con đều đồng tình ủng hộ, để con tôm, con cá của họ trở về sau những chuyến ra khơi dài ngày có thể được xuất qua châu Âu, bội thu hơn, ai mà không thích.

Bốn đợt thanh tra của EC vào các năm 2018, 2019, 2022 và 2023 là “những viên thuốc rất đắng”, giúp chúng ta nhận ra và dần điều trị “căn bệnh” của mình.

Giữa năm nay, EC sẽ tiếp tục thanh tra Việt Nam một lần nữa và mong sao chúng ta tiếp tục nỗ lực để đây sẽ là “viên thuốc” cuối cùng để ngành hải sản Việt Nam chính thức “khỏi bệnh”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm