Nhà Trắng hôm qua ra thông báo các khâu chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vào ngày 12-6 tại Singapore vẫn đang diễn ra hoàn toàn thuận lợi. Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào lúc 9 giờ sáng (giờ Singapore) và ông Trump hiện vẫn được thuộc cấp báo cáo kết quả chuẩn bị mỗi ngày.
Kim Jong-un và bước tiến lịch sử
Cho đến thời điểm hiện tại, giới quan sát đánh giá người thành công chính là Kim Jong-un, đương kim lãnh đạo của Triều Tiên. Tờ Huffington Post của Mỹ dẫn lời bà Jenny Town, trợ lý giám đốc tại Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), thẳng thắn nói rằng ông Kim Jong-un chính là người thắng cuộc. “Đó là một chiến thắng lớn dành cho ông Kim Jong-un” - bà Town nói. Vị này bình luận thêm lãnh đạo Bình Nhưỡng đã làm khá tốt khi nỗ lực nhiều để lấy lại danh tiếng của mình.
Trước đó, quan hệ liên Triều cũng được lãnh đạo Bình Nhưỡng và Hàn Quốc đưa vào giai đoạn mới nhiều hy vọng, đặc biệt là vấn đề ngừng xung đột hai bên, bước vào các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng thống Trump dù tỏ ra thất thường, khi khen ngợi Bình Nhưỡng lúc thì bất ngờ hủy cuộc gặp nhưng lãnh đạo Triều Tiên đã phối hợp nhịp nhàng với Hàn Quốc để thuyết phục ông chủ Nhà Trắng tiếp tục chương trình thượng đỉnh lịch sử.
Còn quá sớm để đánh giá liệu Triều Tiên có thực sự đang hướng về những gì mà lãnh đạo nước này tuyên bố, đó là mong muốn hòa bình và phát triển kinh tế. Xem xét lịch sử cho thấy nhiều góc khuất mang tính hoài nghi về mong muốn “trở thành một quốc gia bình thường” của lãnh đạo Triều Tiên. Dù vậy có những thành quả buộc cả người khó tính nhất cũng phải thừa nhận liên quan thượng đỉnh Trump-Kim sắp tới. Đó là ông Kim đã làm được điều mà cả cha và ông nội của mình chưa bao giờ làm được.
“Giờ đây, vị lãnh đạo trẻ của Triều Tiên gần như đã đạt được giấc mơ từ rất lâu của gia đình mình, đó là một cuộc đối thoại trực tiếp với tổng thống Mỹ” - CNN bình luận. Các quan chức Mỹ và Triều Tiên đang đặt nền móng cho chương trình thượng đỉnh giữa ông Kim và ông Trump sẽ diễn ra vào vài ngày tới.
Jean H. Lee, một chuyên gia về Triều Tiên đang làm việc ở Trung tâm Wilson có trụ sở tại Mỹ, nói với CNN rằng: “Để có một cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ là điều mà nhiều quốc gia mong muốn. Vì thế đối với Triều Tiên, một quốc gia nhỏ vẫn còn trong cuộc chiến với Mỹ, việc ngồi xuống cùng tổng thống (Mỹ) là một thành công lớn”. Vị này nói thêm rằng cha và ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ rất tự hào khi thấy con cháu của họ có thể đưa Triều Tiên lên sân chơi thế giới trong vai trò một chủ thể hợp pháp.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) sắp chạm đến thành tựu mà cha (giữa) và ông nội của mình chưa bao giờ làm được. Ảnh: GETTY
Cẩn trọng nhưng cũng mặc cả
Không khó thấy việc Triều Tiên rất kiên nhẫn, thậm chí nhún nhường trước Mỹ để có thượng đỉnh tới đây. Thậm chí ông Kim Jong-un đã thể hiện quyết tâm “nói chuyện” với Mỹ khi liên tục gặp gỡ thân mật với Hàn Quốc, điều mà trước đây các lãnh đạo tiền nhiệm chưa bao giờ làm được. Đáng chú ý hơn, một số quan chức quốc phòng có sức ảnh hưởng tại Bình Nhưỡng gần đây cũng được ông Kim Jong-un thay thế bằng những người trẻ hơn.
Theo Yonhap, ba quan chức quân sự Triều Tiên bị thay thế là Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik, Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Triều Tiên Ri Myong-su và Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Kim Jong-gak. Hãng tin này còn cho biết thứ trưởng thứ nhất Bộ Các lực lượng vũ trang thay thế vị trí của ông Pak Yong-sik; ông Ri Myong-su bị thay thế bằng cấp phó Ri Yong-gil. Theo Yonhap, việc thay thế ông Kim Jong-gak bằng tướng Kim Su-gil đã được báo chí nhà nước Triều Tiên xác nhận vào tháng trước.
Bruce Bennett, một nhà phân tích của RAND Corp, cho rằng ông Kim Jong-un đang bị tác động mạnh từ phía quân đội. “Ông ấy vẫn đang đối mặt với những mối đe dọa thật sự” - Bennett nói với CNN. Sự phản đối của giới quân đội trong nước có thể thu hẹp khoảng cách chấp nhận của ông Kim đối với việc tháo dỡ các chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Thậm chí ông Kim có thể sử dụng thực trạng này như một lý do để mặc cả và làm chậm lại quá trình phi hạt nhân hóa của nước này.
Andrei Lankov, giáo sư tại ĐH Kookmin ở Hàn Quốc, cho biết các tướng lĩnh quân đội Triều Tiên dường như không chấp nhận ý định nhượng bộ của ông Kim Jong-un. Quân đội là một trong những lực lượng có quyền lực cao nhất ở Triều Tiên và vũ khí hạt nhân được xem là “bảo bối” để họ tiếp tục có chỗ đứng trên vũ đài chính trị trong nước và quốc tế.
Dù kiên nhẫn và nhượng bộ nhưng Triều Tiên trong thời gian ngắn cũng có nhiều bước đi quan trọng trong việc đa phương hóa ngoại giao. Lần lượt Trung Quốc, Nga và Syria - những đối thủ quan trọng của Mỹ được Triều Tiên chủ động thiết lập các cuộc gặp. Việc chọn các đất nước này vừa đảm bảo nhu cầu thời gian cấp bách, vừa chuyển tải một thông điệp củng cố địa vị đàm phán của Triều Tiên trước Mỹ.
Ông Kim Jong-un không thật sự tin tưởng vào các tướng lĩnh của mình. Ông ấy biết rằng họ có thể thách thức sự lãnh đạo của mình và ông Kim giữ họ trong tầm kiểm soát của ông ấy. GS ANDREI LANKOV, ĐH Kookmin, Hàn Quốc |