Cuộc gặp tới đây giữa Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Mỹ không chỉ sẽ “rất khó khăn” như lời ông Trump trên Twitter ngày 31-3, mà còn rất khó có cơ hội tìm được điểm chung, theo tạp chí Time. Lý do là hai bên có quá nhiều bất đồng trong khi lại quá hiếm hoi lĩnh vực có thể tìm được tiếng nói chung.
Tiềm ẩn bất đồng
Trước tiên là khác biệt chính sách. Khi tranh cử, ông Trump thường cáo buộc TQ đã vắt kiệt nước Mỹ, chỉ trích nước này thao túng tiền tệ, tạo thương mại bất bình đẳng và thề sẽ áp mức thuế nhập khẩu 45% lên hàng TQ. Sau khi đắc cử, ông Trump nhận điện thoại của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, nói không muốn ràng buộc với chính sách “Một TQ” - nền tảng ngoại giao giữa hai nước gần bốn thập niên qua. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn đề nghị Mỹ ngăn TQ tiếp cận các đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên biển Đông.
Các cuộc gặp của ông Tập với người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama cũng diễn ra trong nhiều bất đồng chính sách. Như việc TQ không bắt giữ “người thổi còi” Edward Snowden tại Hong Kong, các cáo buộc TQ tấn công mạng; và vấn đề biển Đông. Nhưng vì hai bên vẫn duy trì liên lạc ngoại giao tốt nên các cuộc gặp luôn kết thúc bằng các thỏa thuận chung. Trong cuộc gặp lần này, theo GS Nick Bisley, chuyên gia về châu Á tại Trường ĐH La Trobe (Úc), hai nhà lãnh đạo có thể ưu tiên một vài chủ đề ít bất đồng để tìm được điểm chung, cụ thể như bài toán hạt nhân Triều Tiên.
Dù thế, hy vọng tìm được điểm chung về vấn đề Triều Tiên cũng không cao. Vẫn còn những bất đồng xoay quanh các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các công ty của TQ hay việc Mỹ triển khai Hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sang Hàn Quốc.
Hơn nữa, bộ sậu ông Trump vẫn còn thiếu nhiều vị trí quan trọng về châu Á, như trợ lý ngoại trưởng về Đông Á, trợ lý bộ trưởng quốc phòng, thứ trưởng quốc phòng. “Ai là chuyên gia về TQ? Ai là chuyên gia về châu Á? Làm sao ông Trump nói chuyện hiệu quả với ông Tập khi không có các trợ thủ này?” - GS Carlyle Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc đặt vấn đề.
Liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) sẽ tìm được điểm chung trong cuộc gặp sắp tới? Ảnh: REUTERS
Vẫn cần có nhau
Một điểm chung là cả hai ông Trump và Tập đều đang có nhiều khó khăn và đang khát khao một chiến thắng. Ông Trump thì vừa hứng đòn đau sau khi Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát hủy buổi biểu quyết dự luật bảo hiểm y tế của ông và biến nó thành giấy vụn. Còn về phần ông Tập Cận Bình, bên cạnh điểm sáng lớn nhất là thắt chặt quan hệ với Philippines, TQ cũng gặp nhiều thách thức ngoại giao ở khu vực trong thời gian qua. Úc tuần trước đã bác bỏ một hiệp ước dẫn độ chung với TQ. Trong khi đó, tình hình eo biển Đài Loan ngày một nóng lên, còn quan hệ với Triều Tiên ít nhiều cũng không còn “cơm lành canh ngọt”.
Chuyên gia Đông Á Scott Harold, thuộc tổ chức RAND Corp (Mỹ) chuyên nghiên cứu và phân tích quốc phòng Mỹ, nhận định rằng “ông Tập đang rơi vào thế khó”. Lo lắng hàng đầu của các quan chức TQ là về vấn đề thương mại. Cải thiện đà tăng trưởng của nền kinh tế đang chững lại là ưu tiên hàng đầu cho chính phủ ông Tập trước khi bước vào đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp đến. Hầu hết thành viên Ban Thường trực Bộ Chính trị TQ sẽ mãn nhiệm vào kỳ đại hội này. Một cuộc chiến tranh thương mại hay bất đồng lớn với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến Bắc Kinh khó khăn chồng thêm khó khăn.
Có khả năng ông Tập sẽ mang đến Mỹ một số món quà “chào sân” như đầu tư vào các khu công nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả của Mỹ, hay một đơn hàng “khủng” với Tập đoàn Boeing. Đổi lại, ông Tập có thể sẽ yêu cầu phía Mỹ ra một thông cáo hay tuyên bố tái khẳng định cam kết của Mỹ với chính sách “Một TQ”. “Điều khả quan nhất mà chúng ta có thể hy vọng là họ nhận ra được sự thành thật của nhau và phán đoán được người kia đang muốn đạt được điều gì” - GS Thayer nhận xét.
Thị trường chứng khoán thể hiện thái độ e dè khá rõ rệt trước thềm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Thị trường chứng khoán châu Á ngày 4-4 hoạt động khá lặng lẽ một phần vì các nhà đầu tư đang ẩn mình hoặc tìm đến các kênh an toàn, chờ kết quả cuộc gặp sắp tới sau lời cảnh báo của ông Trump rằng cuộc gặp sẽ “rất khó khăn”. Chỉ số MSCI giảm 0,2%. Chỉ số Nikkei của Nhật giảm 1,1%. Các cổ phiếu Úc giảm trung bình 0,3%. Các thị trường TQ, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ đóng cửa nghỉ lễ. Phiên giao dịch sáng 4-4, các thị trường chứng khoán châu Âu ít biến động lớn, hầu hết giảm nhẹ. Chỉ số có mức biến động tăng cao nhất là chỉ số châu Âu Stoxx 600 cũng chỉ tăng 0,11%. Các chỉ số chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 3-4 với một màu đỏ, dù một số đã có chút ít hồi phục sau đợt giảm mạnh trong ngày. Theo Reuters, một phần nguyên nhân có thể vì trước đó Tổng thống Trump đề cập khả năng dùng thương mại làm đòn bẩy buộc TQ hợp tác về vấn đề Triều Tiên. ________________________________ “Đừng hy vọng nhiều hơn một cái bắt tay thân thiện trong cuộc gặp Trump-Tập” - John Rutledge, cựu cố vấn Tổng thống George W. Bush, ngày 3-4 cho rằng các cuộc gặp giữa ông Trump với các lãnh đạo nước ngoài chỉ là một dạng trình diễn. |