Thượng đỉnh Nga-Triều: Hy vọng phi hạt nhân hóa

Hãng tin AP đưa tin lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25-4 trong hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước diễn ra tại một trường đại học ở TP Vladivostok của Nga. Cuộc gặp gỡ này cho thấy sự ảnh hưởng của Moscow trong quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như các vấn đề an ninh khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa thử vũ khí chiến thuật sau khi khôi phục bãi thử tên lửa Dongchang-ri và có hoạt động tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu năm nay không mang đến thỏa thuận nào đã dập tắt một phần hy vọng cho bước đột phá về giải trừ hạt nhân, một vấn đề nóng bỏng suốt những thập niên này.

Phi hạt nhân hóa trên bàn đàm phán

Trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Putin đề nghị sẽ giúp đỡ ông Kim Jong-un phá vỡ bế tắc liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân và cải thiện tình hình ở bán đảo Triều Tiên, theo tờ The Guardian. Hãng tin AP còn cho biết cả hai nhà lãnh đạo đều có hy vọng cao cho cuộc gặp gỡ lần này.

Ông Kim đang tìm kiếm giải pháp để khắc phục thiệt hại kinh tế do những lệnh trừng phạt quốc tế gây ra. Trong khi đó, Moscow cũng muốn nâng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực để chứng minh rằng Washington không phải là người cầm trịch duy nhất trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Bên cạnh đó, Moscow cũng có mối quan hệ tốt với Bình Nhưỡng và giữ liên lạc với các “tay chơi” khác trên bán đảo Triều Tiên bao gồm Trung Quốc (TQ), Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Ngày 24-4, điện Kremlin cho biết cuộc đàm phán sáu bên là cách hiệu quả nhất để giải trừ hạt nhân trên bán đảo nhưng đàm phán này đang bị trì hoãn. Cố vấn đối ngoại của ông Putin là Yuri Ushakov trả lời truyền thông Nga rằng điện Kremlin sẽ cố gắng tạo các điều kiện tiên quyết và tình hình thuận lợi để đạt được các thỏa thuận liên quan đến bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Nga vốn là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cam kết duy trì các lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên dỡ bỏ chương trình hạt nhân. Hãng tin Reuters lo ngại đây sẽ là trở ngại cho việc Bình Nhưỡng đạt được những trợ giúp cụ thể từ Moscow ngoài những chương trình mang tính hữu nghị.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhau trong  hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Nga ngày 25-4-2019. Ảnh: REUTERS

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia Nga, ông Kim bày tỏ sự mong chờ về một cuộc đối thoại hữu ích với Moscow. “Tôi hy vọng hai nước sẽ thảo luận những vấn đề cụ thể về đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và mối quan hệ song phương Triều-Nga” - tờ The Moscow Times dẫn lời ông Kim cho biết ngày 24-4.

Hơn nữa, một số chuyên gia nhận định rằng ông Kim đang cố gắng củng cố mối quan hệ của Triều Tiên với cả Nga và TQ. “Ông Kim muốn chứng tỏ rằng ông ấy cũng hợp tác với Nga thay vì chỉ trông chờ vào Mỹ hay TQ. Nhưng không dễ dàng gì để Nga và TQ hỗ trợ Triều Tiên nhằm hút dòng tiền USD đến nước này” - hãng tin AP dẫn lời ông Chon Hyun-joon, cựu chuyên gia của Viện Hàn Quốc về thống nhất quốc gia ở Seoul.

TQ và Nga luôn giữ những liên kết chặt chẽ trong vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Hai nước đã hợp tác cùng nhau để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhờ những nỗ lực của TQ và Nga, một lộ trình đã được tạo ra để cải thiện tình hình trên bán đảo thông qua các biện pháp chính trị. Chúng tôi sẵn sàng tham gia với các bên quan tâm bao gồm Nga trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ CẢNH SẢNG 

Mở rộng giao thương Triều Tiên-Nga

Theo tờ The Guardian, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về số phận của khoảng 10.000 lao động Triều tiên đang làm việc tại Nga. Hãng tin BBC cho biết các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2017 sẽ yêu cầu họ rời đi vào cuối năm nay.

Lao động là một trong những “mặt hàng” xuất khẩu chính của Triều Tiên và là nguồn thu nhập quan trọng của nước này. Bình Nhưỡng đã yêu cầu Nga tiếp tục sử dụng lao động của mình sau thời hạn cho phép.

Bên cạnh đó, ông Kim cũng có thể tìm kiếm các khoản viện trợ khác từ Nga. Moscow đã cung cấp 25 triệu USD viện trợ lương thực đến Triều Tiên trong những năm gần đây, theo điện Kremlin. Trước đây, chính phủ Triều Tiên đã báo cáo với Liên Hiệp Quốc rằng họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong năm này.

Không giống TQ, Nga có rất ít hoạt động giao thương với Bình Nhưỡng. Năm 2017, kim ngạch thương mại Nga-Triều Tiên là 77,9 triệu USD và đã hạ xuống còn 34 triệu USD trong năm 2018 do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế, theo tờ The Moscow Times. Vì thế, Nga có thể sẽ muốn mở rộng các giao dịch về tài nguyên khoáng sản với Triều Tiên bao gồm kim loại quý hiếm. Còn Triều Tiên cũng khuyến khích Nga cung cấp điện và đầu tư hiện đại hóa các nhà máy công nghiệp, đường sắt và cơ sở hạ tầng khác trên đất nước này.

Quan hệ ngoại giao đa phương

Theo hãng tin CNN, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là nhà lãnh đạo thế giới thứ sáu gặp ông Kim Jong-un kể từ khi ông Kim lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên năm 2011. Các cuộc gặp gỡ này đều xảy ra từ năm 2018 khi Bình Nhưỡng thay đổi chính sách mở rộng ngoại giao đa phương. Cho đến nay ông Kim đã gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ngày 24-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh luôn sẵn sàng tham gia với Nga và Triều Tiên để đẩy mạnh quá trình phi hạt nhân hóa, theo hãng tin TASS. Ông Cảnh Sảng tin rằng cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga là một nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định khu vực bán đảo Triều Tiên. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm