Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lưu thông không có nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) được xem như giải pháp để giải quyết vấn nạn trên. Đặc biệt, đối với xuất khẩu, việc TXNG giúp các doanh nghiệp (DN) hướng đến chinh phục thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay việc TXNG còn nhiều bất cập, chồng chéo. Đó là đánh giá của nhiều đại biểu tại tọa đàm “Giải pháp quản lý TXNG hàng hóa tại Việt Nam” tổ chức ngày 13-11 ở Hà Nội.
Vàng thau lẫn lộn vì lập lờ xuất xứ
Ông Lê Đại Dương, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Trade, chỉ ra một thực tế về vấn đề tem TXNG. Đó là đa số người dân gần như không hiểu TXNG thế nào là đúng nhất. “Tôi thấy có khoảng 95% sản phẩm đang được bày bán ở các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR code và được quảng bá đó là TXNG nhưng thực tế đó chỉ là truy xuất thông tin. Việc hiểu sai như thế này dẫn đến nhiều đơn vị lợi dụng để in một mã QR code rồi dán lên sản phẩm và quảng bá đó là TXNG khiến cho việc thực hiện chủ trương này đang gặp vấn đề, không biết đâu là thật, đâu là giả”.
Từ phân tích trên, ông Dương cho rằng thời gian tới cơ quan nhà nước cần phải xác định rõ thế nào là TXNG thật, các yếu tố nào cần để thực hiện chuẩn, quy trình kiểm tra, giám sát lại việc thực hiện. Đồng thời Chính phủ cần có quy định nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng về TXNG; đánh giá lại xem đơn vị nào đang xây dựng phù hợp với quy định và có đủ năng lực xây dựng các giải pháp TXNG.
Đồng ý kiến, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bộ KH&CN), thừa nhận thực tế hoạt động TXNG ở Việt Nam còn mang tính khép kín, chưa thống nhất và loạn tem TXNG hoặc có tem TXNG nhưng trong tem chỉ có những thông tin rất giản đơn…
Theo bà Hương, nguyên nhân của tình trạng này là do tem truy xuất chưa thống nhất về nội dung, hình thức; việc truy xuất mới chỉ là mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong hệ thống đơn vị đó, chưa có tính mở để kết nối với hệ thống TXNG bên ngoài. “Hoạt động TXNG chưa đúng, chưa có quy định về trách nhiệm của các bên liên quan” - bà Hương nhận xét.
Là một trong các công ty lớn chuyên xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu BAGICO, nói rất nhiều nước cũng như người tiêu dùng đều đòi hỏi các DN Việt Nam phải làm thật và minh bạch về TXNG. Bởi vì công nghệ thông tin ngày càng phát triển và đang có rất nhiều công cụ miễn phí để người dân có thể giám sát được hàng có thật hay không.
“Anh có thể đổ tiền vào làm, có thể che mắt người ta một hai ngày nhưng không thể gian dối mãi. Nếu một ngày chỉ cần một thông tin người tiêu dùng phát hiện ra rằng anh làm không thật thì thương hiệu của anh sẽ hoàn toàn sụp đổ. Việt Nam cũng đã có những trường hợp sụp đổ như vậy rồi. Cho nên đứng ở góc độ DN, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chậm một chút, tốn kém chi phí ban đầu một chút nhưng về nguyên tắc phải làm thật. Để làm thật chúng ta phải tuân thủ pháp luật, kể cả đó là quy định của nước sản xuất hay nước nhập khẩu” - bà Thành Thực nhấn mạnh.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, việc TXNG còn giúp sản phẩm nông sản có được tấm “giấy thông hành” xuất khẩu ra thế giới. Ảnh: TÚ UYÊN
Đừng tự loại mình ra khỏi cuộc chơi
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, nêu thực trạng nhiều DN Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc với xuất xứ Việt Nam, tuy nhiên thực tế các sản phẩm đó lại được… nhập khẩu từ nước khác. Việc giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến nền sản xuất trong nước. Từ đó đòi hỏi cần phải thực hiện mạnh mẽ việc TXNG.
“TXNG hiện tại đang làm khá tốt đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU. Đối với các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản…, việc TXNG là bắt buộc. Nếu chúng ta không đáp ứng được thì việc mở rộng và phát triển thị trường mới rất khó khăn” - ông Hòa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu BAGICO Nguyễn Thị Thành Thực nhận xét các DN sản xuất truyền thống ở trong nước khi nhận được thông tin các nước yêu cầu TXNG đối với hàng hóa nhập khẩu đều rất ngỡ ngàng. Trong khi đây là xu hướng của thế giới, tạo ra nhiều giá trị cho DN.
“Việc sử dụng công nghệ trong TXNG để thúc đẩy thương mại là xu hướng bắt buộc và buộc phải thay đổi ngay chứ không thể từ từ vì chúng ta vốn đã chậm hơn nhiều so với thế giới. Nếu không thay đổi, không bắt kịp xu thế, chúng ta sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi” - bà Thực nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng về thị trường Trung Quốc, bà Thực cho biết mặc dù Trung Quốc đã thông báo về quy định áp dụng với chín loại nông sản trái cây của Việt Nam nhưng hiện Trung Quốc chưa làm chặt chẽ, chưa áp dụng đúng theo quy định. Bởi vì căn cứ trên dữ liệu của Trung Quốc thì Việt Nam có khoảng 1 triệu ha trái cây song mới cấp mã vùng trồng chưa được 1%. Ngay như trong chín loại trái cây được xuất chính ngạch, Trung Quốc mới chỉ yêu cầu TXNG với dưa hấu và làm chưa đến nơi đến chốn.
“Việc Trung Quốc làm theo kiểu mắt nhắm mắt mở như vậy sẽ tạo ra một tình huống cực kỳ nguy hiểm cho người Việt Nam, gây ra tâm lý chủ quan rằng người ta có đòi hỏi gì đâu, hàng vẫn xuất ầm ầm, ngày nào cũng vài trăm container. Chẳng may một ngày đẹp trời khi hàng Việt đến cửa khẩu, Trung Quốc kiểm tra việc thực hiện và thấy không đúng quy định, lúc đó sẽ ùn ứ hàng trăm, hàng ngàn container. Lúc bấy giờ mới lại kêu cứu, giải cứu nông sản. Do vậy, ngay từ bây giờ Chính phủ cần phải kiểm tra các bộ, ngành, các địa phương xem đã thông báo, hướng dẫn người dân thực hiện quy định về TXNG của nước nhập khẩu đến đâu chứ không phải chỉ đi đàm phán để giải cứu nông sản” - bà Thực nhấn mạnh.
Phải truy xuất nguồn gốc hàng ngoại nhập Tọa đàm “Giải pháp quản lý TXNG hàng hóa tại Việt Nam” do báo Chất Lượng Việt Nam tổ chức dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Phát biểu tại đây, Chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu BAGICO Nguyễn Thị Thành Thực nhấn mạnh Việt Nam phải đáp ứng quy định của thị trường xuất khẩu nhưng ngược lại cũng phải chú ý quy định về TXNG của những sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Việt Nam. “Điều này cho thấy ta cũng bình đẳng như đối tác, họ có yêu cầu quy định đối với sản phẩm của ta thì ta cũng phải có quy định tương đương quản lý sản phẩm nhập từ họ” - bà Thành Thực nhấn mạnh. |