ĐỐI PHÓ VỚI DỊCH HEO TAI XANH - BÀI 2:

Thương lái ép giá mua heo sạch

Đang mùa dịch bệnh bùng phát và chưa thể khống chế được sự lây lan, hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Dù ngành thú y cấp giấy chứng nhận heo không nhiễm bệnh nhưng heo luôn bị người tiêu dùng từ chối khi giết mổ tiêu thụ tại địa phương.

Bán không được, nuôi không xong

Tại Bến Tre, đàn heo của các hộ dân ở nhiều địa phương thuộc huyện Châu Thành có biểu hiện bỏ ăn. Giới thương lái nhân cơ hội đó ép giá người nuôi. Những đàn heo khỏe mạnh hiện được thương lái thu mua với giá 1,8-2 triệu đồng/tạ (giảm gần phân nửa so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh). Riêng số heo bệnh, lái lẫn người nuôi lén mổ thịt để tiêu thụ nhằm gỡ gạc vốn.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Công Trí (Lâm Đồng), cho hay nếu giá heo hơi trước đây khoảng 35.000 đồng/kg thì nay thương lái chỉ trả cao nhất 28.000 đồng/kg. Trong mùa dịch, các đại lý kinh doanh thức ăn gia súc không dám bán thiếu, ngân hàng lại từ chối cho vay tiếp nên không ít trại nuôi heo phải vay bên ngoài với lãi suất cao.

Bà Nguyễn Thị Hai (Bình Dương) buồn rầu vì đàn heo sạch chưa bán được. Ảnh: TRẦN NGỌC

Vì không kham nổi, có trại bán đổ bán tháo đàn heo. Tiền thu được không đủ trang trải nợ con giống, nợ thức ăn… Trại nào cố cầm cự thì phải bán bớt đồ đạc trong nhà lấy tiền mua thức ăn giá rẻ cho heo. Thức ăn giá rẻ không đủ chất dinh dưỡng nên heo thiếu sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh. “Do thương lái ép giá nên Công ty Công Trí không bán heo. Mỗi ngày công ty phải chi đến 70 triệu đồng tiền thức ăn. Nếu tình trạng này kéo dài chắc công ty phá sản” - ông Công thở dài.

Bán cám, bán cơm… cũng khổ

Chẳng những người chăn nuôi than trời mà các ngành nghề khác như sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc, vận tải, giết mổ, bán thịt heo, kinh doanh quán ăn… cũng bị ảnh hưởng.

Ông Lê Văn Hưởng, chủ đại lý thức ăn gia súc Năm Hưởng (Chợ Gạo, Tiền Giang), cho biết khi dịch heo tai xanh xảy ra, lượng tiêu thụ thức ăn giảm 50%. Ngoài ra, việc nhiều người mua khất nợ cũng biến ông Hưởng thành... con nợ.

Theo ông Dương Minh Phí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, sức tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh hiện giảm 40% trong khi giá gà, vịt đồng loạt tăng. Những quán hủ tiếu, bánh canh trước đây sử dụng thịt heo nay chuyển sang thịt gà. Các quầy thịt heo trong chợ cũng giảm hẳn. Chợ Thạnh Trị (phường 4, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) có 68 sạp bán thịt heo. Trong đợt dịch này, do buôn bán ế ẩm nên chỉ còn 20 sạp cầm cự.

Bà Nguyễn Thị Liên, chủ quán ăn 555 (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), cho biết thường ngày quán sử dụng trên 30 kg xương heo, nay chỉ còn 5 kg. Trước đây, gà, vịt, bò sử dụng ít, nay mỗi ngày tăng lên 20 con gà, vịt; 40 kg thịt bò, gân bò. Để có khách, bà Ba Bắc, chủ một quán cơm tấm ở Châu Thành (Bến Tre), phải thay cơm sườn thành cơm gà, cơm trứng chiên… Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định: “Việc không tiêu thụ được thịt heo nội địa sẽ là cơ hội để thịt heo nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước”.

Nhà nước cũng thiệt

Để hạn chế lây lan dịch bệnh và hỗ trợ một phần thiệt hại cho người chăn nuôi, hầu hết các tỉnh có dịch tai xanh đều thực hiện mức hỗ trợ tiêu hủy heo bệnh theo quy định (25.000 đồng/kg). Tuy nhiên, do mức hỗ trợ cao hơn giá thu mua của thương lái nên người chăn nuôi đăng ký tiêu hủy cả heo mới phát bệnh, còn có thể điều trị. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường mà còn gây thiệt hại cho nhà nước.

Ông Dương Minh Phí nhìn nhận đã xảy ra hiện tượng người chăn nuôi đăng ký tiêu hủy cả heo mới phát bệnh để nhận tiền hỗ trợ. Trước thực trạng trên, ông Lê Minh Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, đã đề xuất giải pháp: Khi người chăn nuôi đăng ký tiêu hủy heo bệnh thì cán bộ thú y đến kiểm tra, đồng thời cách ly và điều trị heo mới phát bệnh.

Điều khiến hàng chục ngàn hộ chăn nuôi lo ngại là ở các tỉnh có dịch, ngoài thương lái tại địa phương, không có doanh nghiệp nào dám gồng mình đứng ra mua giúp bà con nông dân tiêu thụ đàn heo khỏe về giết mổ, trữ đông, góp phần bình ổn cơn sốt giá. Trong khi đó, các chuyên gia về thị trường dự báo sẽ nổi lên cơn sốt giá heo sau khi cả nước công bố hết dịch bệnh.

Một tháng nữa sẽ dập được dịch tai xanh

Báo cáo của Cục Thú y cho thấy trong nửa tháng qua, cứ hai ngày lại xuất hiện một tỉnh, thành có dịch tai xanh. Theo thống kê đến ngày 9-8 tại gần 300 xã, phường, thị trấn thuộc 48 quận, huyện ở 16 tỉnh, thành (cả Quảng Trị) bị dịch trong đợt hai, tổng số heo mắc bệnh là trên 80.000 con, trong đó gần 23.000 con đã bị tiêu hủy. Đến ngày 10-8, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có sáu ổ heo dịch có triệu chứng lâm sàng của bệnh tai xanh.

Cục Thú y đánh giá dịch tai xanh tại Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An và Dăk Lăk đã xảy ra trên diện rộng và đang diễn biến xấu. Các địa phương còn lại đã phát dịch nhưng ở diện hẹp, được phát hiện và xử lý ngay nên tạm thời các ổ dịch vẫn đang được kiểm soát. Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm dự báo trong khoảng một tháng nữa sẽ dập được dịch tai xanh trên cả nước. 

TRẦN ĐẠI

TRẦN NGỌC - TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới