Thương mại điện tử 'khát' nhân lực

(PLO)- Mặc dù tốc độ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam đang đứng thứ 3 của Đông Nam Á song nhân sự trong ngành lại thiếu hụt trầm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo khảo sát về thương mại điện tử (TMĐT) hàng năm của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐTvà KTS) nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày một cao, tới 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến.

Thiếu nhân lực trầm trọng

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Phòng nghiên cứu ứng dụng kinh tế số Cục TMĐT và KTS, chính lý do trên đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, từ đó nhu cầu về TMĐT tăng mạnh.

“Khảo sát có tới 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và TMĐT” - bà Anh nói.

Tuy nhiên, Cục TMĐT- KTS cũng thông tin, hiện nay chỉ có 30% nguồn nhân lực về TMĐT được đào tạo chính quy, 70% nhân lực còn lại được đào tạo từ các ngành kinh doanh, thương mại và công nghệ thông tin, và đến từ các ngành nghề khác.

Ở vai trò Hiệp hội, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT (VECOM) nhìn nhận, tới nay nhân lực cho ngành TMĐT còn thiếu, đang có độ vênh so với sự phát triển của ngành nói chung và nhu cầu của doanh nghiệp nói riêng, nhất là nhân sự trình độ cao.

“Thực tế hiện nay, nhân sự được đào tạo chuyên ngành về TMĐT tại Việt Nam vẫn đang quanh quẩn, luân phiên chuyển từ công ty này sang công ty khác, từ Tiki qua Shopee, rồi qua Lazada hay Sendo… Số lượng nhân sự chưa nhiều, chưa thỏa mãn được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”- ông Dũng cho biết.

Bà Bùi Thị Thanh Sương, Giám đốc nhân sự Haravan, công ty chuyên cung cấp các giải pháp bán lẻ cho hay, công ty vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt nhân sự gắn liền với ngành dù những năm gần đây đã có nhiều trường đại học đào tạo với số lượng sinh viên khá đông chuyên ngành TMĐT hoặc học phần liên quan đến TMĐT.

“Đa phần nhân lực ứng tuyển công ty là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, mặc dù nhanh nhẹn nhưng thiếu tính cọ sát với dự án thực tế. Chính vì thế chúng tôi vẫn phải tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn từ 1 -3 tháng, tùy tính chất công việc, để các bạn có thể ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Nhìn chung, cùng với sự năng động, ham học hỏi thì mức độ đáp ứng công việc của doanh nghiệp đạt mức độ trung bình và khá”- bà Sương cho biết.

Điều này có thể thấy, bức tranh về nhân lực qua đào tạo trong lĩnh vực này còn đang chờ được lấp đầy. Đồng nghĩa với việc, dư địa cho lĩnh vực đào tạo chính quy ngành TMĐT còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh quy mô TMĐT Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Doanh nghiệp vẫn khát nhân sự thương mại điện tử. ẢNH: THU HÀ

Doanh nghiệp vẫn khát nhân sự thương mại điện tử. ẢNH: THU HÀ

Đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử

Báo cáo Đào tạo TMĐT 2022 của VECOM cho thấy tới nay đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần TMĐT.

Nhiều sinh viên ngành TMĐT đã có việc làm từ những năm cuối khóa và trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp hầu hết đã có việc làm với thu nhập khá. Nhu cầu tuyển sinh ngành TMĐT và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số tăng nhanh.

Tuy nhiên, hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường đại học còn gặp nhiều trở ngại, bao gồm những trở ngại về giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, gắn đào tạo với thực tiễn...

Đại diện trường đại học Công nghiệp TP.HCM thừa nhận hiện nay việc đào tạo chuyên ngành TMĐT còn khá “non trẻ”.

Do đó, vị này đề xuất để nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo nên xây dựng và triển khai đào tạo theo hướng mở, tiếp cận gần với doanh nghiệp càng sớm càng tốt.

Về phía VECOM, để hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của ngành đạt hiệu quả, chất lượng, đơn vị này đưa ra một số đề xuất như cần khảo sát định kỳ tình hình đào tạo TMĐT tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT, hay bồi dưỡng giảng viên TMĐT.

Ngoài ra, cần tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo ngành, tổ chức các cuộc thi về TMĐT để sinh viên cọ sát, từ đó nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu TMĐT…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm