Thanh niên tên LMK (30 tuổi, sống ở Tân Bình) nhập khoa Cấp cứu, BV Trưng Vương (TP.HCM) vào tối 29-5 với tình trạng suy hô hấp cấp, khó thở dữ dội, bứt rứt, tím môi, đầu chi. Bệnh nhân được cấp cứu cho thở oxy mask tối đa và hồi sức.
Khi tương đối ổn định, anh K. cho biết hai tuần trước đi xe bị té ngã đập chân trái xuống đường và được chẩn đoán gãy mâm chày nên được cố định nẹp, uống thuốc. Trước khi nhập viện năm ngày, chân anh bị sưng căng đau nhức và đi khám ở một bệnh viện lớn nhưng không tìm ra bệnh.
Từ manh mối này, các bác sĩ nhanh chóng loại trừ nguyên nhân nhồi máu cơ tim, chuyển hướng nghi ngờ bệnh nhân bị thuyên tắc phổi. Kết quả chụp CT trùng khớp cho thấy bệnh nhân có huyết khối gây tắc cả hai động mạch phổi và tĩnh mạch cánh tay đầu.
Anh K. vui mừng cảm ơn êkíp bác sĩ đã cứu sống mình. Ảnh: HL
Tình hình bệnh nhân khá nguy hiểm nên được hồi sức gấp rút ngay trong đêm và sáng hôm sau, khoa Cấp cứu đã mời hội chẩn nội viện để tìm cách cứu bệnh nhân. Bệnh nhân đã được chỉ định tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch và may mắn đáp ứng nên dần cải thiện triệu chứng hô hấp, hết đau ngực. Hiện tại, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định.
Theo các bác sĩ, thuyên tắc phổi hình thành do cục huyết khối hình thành ở tĩnh mạch sau, chi dưới khi không được phát hiện kịp thời sẽ theo dòng máu lên gây tắc phổi khiến bệnh nhân đột tử. Các đối tượng có nguy cơ cao gặp thuyên tắc phổi là bệnh nhân chấn thương, buộc phải bất động vết thương sau mổ trên ba ngày. Ngoài ra, người có các bệnh lý nền như ung thư, nhồi máu cơ tim, suy tim... cũng có nguy cơ cao. Đáng lưu ý, 50% trường hợp có huyết khối ở tĩnh mạch chân có biểu hiện sưng đau, nổi bông tím còn 20%-30% phải qua siêu âm mới phát hiện được.
Do đó, cách hiệu quả nhất để tránh thuyên tắc phổi là các đối tượng có nguy cơ cao nên làm siêu âm mạch máu. Việc làm này cũng tránh huyết khối tắc ở chân gây loét, khó điều trị, ảnh hưởng sinh hoạt cho bệnh nhân.