Ngày 23-8, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tổ chức tọa đàm “Chia sẻ cập nhập thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển”.
Xu thế carbon xanh dương
TS Phạm Thu Thủy, Trường Đại học Adelaide (Úc) cho biết, vài năm trở lại đây thị trường tín chỉ carbon rừng trên cạn không được nhắc đến nhiều mà các quốc gia trên thế giới, nhà đầu tư chuyển sang tín chỉ carbon đại xanh dương (hệ sinh thái biển). Hệ sinh thái carbon xanh dương gồm rừng ngập mặn, đầm lầy bãi triều và cỏ biển có thể tạo ra tín chỉ carbon lớn.
Cũng theo TS Thủy, chúng tôi nghiên cứu trên thế giới cũng như các nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Campuchia đầu tư phục hồi hệ sinh thái tảo biển rất lớn. Đối với những dự án đang giao dịch, đang xây dựng cũng như đã bán được, nhận thấy dù tiềm năng hệ sinh thái carbon xanh dương rất lớn nhưng số lượng không nhiều.
Trên thế giới chỉ có 31 dự án bán được tín chỉ carbon liên quan đến rừng ngập mặn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tiềm năng tín chỉ carbon của rừng ngập mặn, rừng ven biển không nhiều nhưng do các quốc gia gặp khó khăn trong xây dựng chính sách.
TS Thủy dẫn chứng, về giá bán, tín chỉ carbon rừng ngập mặn thường bán được giá cao hơn nhiều so với tín chỉ carbon rừng trên cạn (rừng trên cạn 5-10 USD). Năm ngoái có sáu dự án trên toàn cầu được đấu thầu, giá thầu bỏ thấp nhất là 35 USD/tín chỉ.
"Ngoài ra, qua nghiên cứu về ai là người mua tín chỉ carbon rừng ngập mặn chúng tôi nhận thấy, ngành giao thông vận tải, dịch vụ, công nghệ thông tin có nhu cầu lớn mua. Đồng thời lưu ý người bán cần phải biết người mua là ai, tiếp cận để hiểu và đàm phán giá hiệu quả cao nhất"- TS Thủy cho biết.
"Trong thị trường carbon có nhiều giao dịch mua đi bán lại giữa các bên trung gian trước khi đến tay người mua cuối cùng. Vì vậy thông tin về giá mà chúng ta biết công khai là giá đã bị ép ngay từ vòng đầu tiên. Trong quá trình đàm phán tôi luôn khuyến nghị cần phải hiểu người mua họ đang ở khâu nào trong thị trường để đạt hiệu quả nhất”- TS Thủy chia sẻ.
Nhiều nơi muốn bán tín chỉ carbon nhưng không biết làm sao
Theo TS Thủy, dù tiềm năng lớn nhưng số lượng tín chỉ carbon rừng ngập mặn bán trên thị trường thế giới với số lượng ít, nguyên nhân do chính sách thiếu ổn định và thiếu hành lang pháp lý. Do đó tại Việt Nam muốn khai thác tiềm năng cần hoàn thiện cơ sở pháp hành lang pháp lý.
Cùng quan điểm trên PGS.TS Viên Ngọc Nam, Trường đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, tiềm năng tín chỉ carbon rừng ngập mặn cao nhưng để hiện thực hóa không đơn giản.
Tại Việt Nam cũng như các địa phương đang còn nhiều vấn đề như điều tra, xác định ranh giới loại rừng, chủ rừng, diện tích… Chưa kể, đơn vị đo đếm có tư cách pháp nhân được trong nước và quốc tế công nhận là ai? đơn vị nào thẩm định?. Bên cạnh đó là cơ chế pháp lý như: giao dịch, giá cả, chủ sở hữu và quyền carbon… đang rất khó khăn.
Do đó, vấn đề trước mắt hiện nay cần quản lý rừng bền vững tiếp đến nâng cao tuyên truyền cho người dân về tín chỉ carbon. Trong tương lai nơi nào có khả năng trồng rừng thì trồng rừng, đa dạng sinh học, đặc biệt hạn chế việc sạt lở.
Đầu tư tín chỉ carbon cần nhìn dài hạn
“Chúng ta muốn bán tín chỉ carbon từ rừng cần làm từng bước chứ không thể nóng vội. Do đó truyền thông thông tin Việt Nam thu về hơn 51 triệu USD từ tín chỉ rừng carbon nghe hấp dẫn nhưng không đơn giản”- PGS.TS Nam nói.
Theo PGS.TS Viên Ngọc Nam, "từ khi có thông tin thu hàng triệu USD từ tín chỉ carbon rừng, đi thực tế nhiều địa phương ai cũng muốn làm sao bán được tín chỉ rừng carbon. Tôi trả lời đừng nóng vội, mình phải biết đang có sản phẩm nào mới bán được.
Đáng chú ý, Cục Lâm nghiệp ban hành Thông tư 23 trong đó quy định kiểm kê diện tích rừng. Trên cơ sở thông tư này các địa phương mới báo cáo, có quy hoạch rừng trồng, xác định diện tích ở đâu, trữ lượng bao nhiêu thì phải đo đạc… Đây là những điều mà các địa phương cần chuẩn bị trước. Đồng thời là cơ sở để khách hàng có nhu cầu mua tín chỉ carbon có thể kiểm tra được".
Một số ý kiến băn khoăn, nếu DN đầu tư dự án bán tín chỉ carbon sẽ xảy ra rủi ro nào khi hành lang pháp lý của Việt Nam chưa hoàn thiện.
Theo TS Thủy, kinh doanh ngành nào cũng xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, nếu người đầu tư lâu dài sẽ thấy trong rủi ro càng có nhiều cơ hội. Cụ thể, xu thế các nước siết giảm phát thải, trong khi tiềm năng nguồn cung ứng càng thu hẹp, nhìn về lâu dài DN không lo ngại.
Những năm qua trong khi các quốc gia lo sợ làm ra tín chỉ carbon không biết bán cho ai, Singapore là quốc gia mua gần hết tín chỉ carbon của các nước khác, đặc biệt là mua với giá rẻ.
Trước đó ngày 22-8, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tổ chức tọa đàm “Chia sẻ cập nhập thông tin về thị trường các bon từ hệ sinh thái rừng ven biển”.
Tọa đàm lắng nghe hai chia sẻ từ TS Phạm Thu Thủy cập nhật thực trạng và xu thế thị trường carbon rừng quốc tế.
TS Vũ Tuấn Phương trình bày các khái niệm cơ bản thị trường carbon rừng, đặc biệt cập nhật thị trường tín chỉ carbon rừng Việt Nam cũng như đưa ra cơ hội thách thức...