Đại diện Ban Quản lý (BQL) dự án đường sắt - Bộ GTVT, cho biết vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét, tổ chức thẩm định dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Đầu tư dự án trước năm 2030
Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 41,83 km. Trong đó, đoạn qua địa phận TP.HCM dài 11,75 km và qua Đồng Nai khoảng 30,08 km.
Tuyến bắt đầu từ ga Thủ Thiêm (phường An Phú, TP Thủ Đức), đi song song về bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau khi giao cắt với đường vành đai 3, tuyến rẽ phải đi song song về bên trái đường vành đai 3 tiếp tục vượt sông Đồng Nai tại vị trí cách tim cầu Đồng Nai trên vành đai 3 khoảng 62,5 m về phía thượng lưu.
Đến khu vực giao cắt với tỉnh lộ 25B, tuyến rẽ trái và đi vào giải phân cách giữa đường tỉnh lộ 25B.
Tới địa phận xã Long An, huyện Nhơn Trạch hướng tuyến rẽ phải, sau khi giao cắt với Quốc lộ 51 tuyến sẽ đi ngầm cùng hàng lang của tuyến đường sắt tốc độ cao vào bên trong sân bay Long Thành, điểm cuối của dự án.
Như vậy, dự án sẽ chạy qua các phường An Phú, Phú Hữu, Long Trường thuộc TP Thủ Đức (TP.HCM). Còn tại Đồng Nai tuyến sẽ đi qua xã Long Tân, Phú Thạnh, Phú Hội, Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch); xã Long An, Long Phước, Bình Sơn (huyện Long Thành).
Dự án đường sắt được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa. Trên tuyến bố trí 16 ga trên cao và 4 ga ngầm, tốc độ thiết kế với vận tốc 120 km/h trên chính tuyến và 90 km/h trong hầm.
Dự án cũng bố trí một khu depot rộng hơn 21 ha tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành (Đồng Nai). Một bãi đỗ tàu, vệ sinh tàu rộng 1,2 ha tại Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Tuyến có năng lực chuyên chở khoảng 30.000 đến 40.000 người/hướng/giờ.
Với quy mô đầu tư như trên, dự án tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 84.752 tỉ đồng (tương đương 3.454 tỉ USD). Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 5.504 tỉ đồng. Đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Thời gian khởi công dự án dự kiến trước năm 2030, hoàn thiện đưa vào khai thác năm 2035.
Đã nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP
Theo BQL dự án đường sắt, năm 2019, tuyến trên từng được giao cho đơn vị nghiên cứu. Tuy nhiên, do tại thời điểm đó dự án chưa được cấp có thẩm quyền bố trí vốn nên không triển khai công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn nghiên cứu.
Cuối năm 2021, Thủ tướng ban hành danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, trong đó có tuyến Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo đó, cả hai dự án dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền để triển khai dự án. Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, đồng thời đề nghị các địa phương là Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu có ý kiến đối với đề xuất của tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, tháng 7-2022, tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng giao Bộ GTVT là đơn vị tổ chức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Trên tinh thần đó, Bộ GTVT tiếp tục giao BQL dự án đường sắt triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Trong quá trình nghiên cứu, BQL dự án đường sắt thực hiện lấy ý kiến hai địa phương có dự án đi qua và khảo sát thực địa tại các vị trí bố trí nhà ga trên tuyến.
Song song đó, ngày 14-8-2024, BQL dự án đường sắt chỉ đạo tư vấn nghiên cứu thêm phương thức đầu tư PPP loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Trên cơ sở ý kiến của tư vấn, BQL dự án nhận thấy lựa chọn hình thức đầu tư trên là phù hợp.
Liên quan đến dự án này, đại diện Bộ GTVT cho biết Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cũng vừa ký quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Bộ GTVT phân công ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ GTVT làm Chủ tịch hội đồng. Thành viên hội đồng gồm 14 người đến từ các đơn vị trực thuộc bộ và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.