Đề xuất tăng tốc đường sắt Thủ Thiêm để ‘đuổi kịp’ sân bay Long Thành

(PLO)- TP.HCM, Đồng Nai đề nghị ưu tiên nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để đạt kết quả cùng thời gian với việc khai thác sân bay Long Thành vào năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trao đổi hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ hai.

Tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết về phát triển các tuyến đường sắt kết nối vùng.

Vừa qua Sở GTVT TP đã phối hợp Cục Quản lý đường sắt rà soát các tuyến đường sắt mà Bộ GTVT đang lập quy hoạch chi tiết, trong đó có các tuyến qua Bình Dương. Ông đề nghị trước mắt kiến nghị Bộ GTVT lập quy hoạch chi tiết các nhà ga để quản lý đô thị.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Ông nhìn nhận giao thông đường sắt không phát triển được vì việc quy hoạch đường sắt chưa gắn với quy hoạch đô thị, giao thông đường bộ, công cộng… kể cả việc xây dựng tuyến đường sắt Bắc – Nam. Ông đề nghị cần hết sức quan tâm rà soát quy hoạch đường sắt gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch nhà ga, lấy bài học về tuyến Metro số 1 trước đây. Ông cho rằng chọn được vị trí nhà ga thống nhất với Bộ GTVT, gắn với quy hoạch vùng là rất cần thiết.

Liên quan tuyến đường sắt Metro số 1 kéo dài, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện các cơ quan đang bàn về việc kéo dài tuyến Metro số 1 từ Suối Tiên về Bình Dương và Đồng Nai. Theo quy hoạch, rà soát thì đoạn kéo về Đồng Nai có pháp lý tương đối ổn, chỉ có đoạn nhỏ qua Bình Dương chưa ổn.

Do đó ông Trần Quang Lâm đề nghị có thể ưu tiên đầu tư tuyến kéo dài về Đồng Nai trước sẽ khiến cả tuyến đạt hiệu quả hơn. Ông cũng đề nghị Bình Dương sớm hoàn thiện quy hoạch đường sắt, sau đó phối hợp cùng Đồng Nai để thực hiện đoạn qua Bình Dương, trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng kịch bản đầu tư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo các tỉnh, thành chủ trì hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo các tỉnh, thành chủ trì hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Về tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, ông Trần Quang Lâm cho biết sân bay Long Thành dự kiến sẽ được khai thác vào năm 2025, trong khi đó cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Do đó, ông mong các tỉnh thống nhất tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.

Theo ông Lâm, hiện nay Bộ GTVT đang nghiên cứu dự án đường sắt này nhưng ông cho rằng việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP hoặc nguồn vốn ODA sẽ rất lâu. “Với bài học của tuyến Vành đai 3, có thể ưu tiên vốn đầu tư công để đầu tư dự án này” – ông Lâm nói.

Về tuyến đường sắt này, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia, cần có triển khai phù hợp.

Ông cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đạt kết quả cùng thời gian với việc khai thác sân bay Long Thành.

Kiến nghị thành lập quỹ phát triển giao thông Vùng

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, nhìn nhận các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nên thành lập quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng. Tuy nhiên nếu TP.HCM và các tỉnh lập quỹ thì đến thời điểm này, trong khuôn khổ quy định không cho phép địa phương huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các hoạt động có tính chất vùng. Trong trường hợp xin thí điểm cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển TPHCM thì chỉ có duy nhất TP.HCM có cơ chế sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư vào các dự án vùng.

Do đó, các tỉnh có thể lựa chọn phương án quỹ do Thủ tướng Chính phủ thành lập và trực thuộc hoặc gắn kết với Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ đang trong quá trình thành lập. Nếu được thiết kế phù hợp, Quỹ trở thành cơ sở và công cụ hiệu quả để phát huy vai trò của Hội đồng điều phối Vùng.

Nếu chọn phương án này, TP.HCM và các tỉnh cần phải chuẩn bị kiến nghị để hình thành ý tưởng các dự án hạ tầng giao thông ưu tiên ở từng giai đoạn để đề xuất.

Và trong thời gian hình thành Quỹ vùng, TP.HCM có thể linh hoạt sử dụng Nghị quyết 98 để thực hiện các công trình liên vùng trước khi có cơ chế vĩ mô hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm