Tiền lì xì của con

Năm nay nó tròn 10 tuổi, cái tuổi khó khăn của con và cả bố mẹ.

Đây không phải lần đầu con tôi đòi mua máy chơi game. Nhiều lần tôi lấy cớ là chưa có tiền nhưng lần này nó bảo sẽ dùng tiền lì xì để tự mua. Vấn đề bây giờ không còn là chiếc máy chơi game nữa. Tôi bắt đầu lo lắng về cách sử dụng tiền của con. Làm sao để nó có thể sử dụng tiền lì xì đúng ý nghĩa?

Mấy ngày sau, khi đã bình tâm, tôi tìm cơ hội chia sẻ với con sự lo lắng của mình. Tôi nói cho con những phong tục tập quán trong ngày tết Nguyên đán. Khách đến chơi thường muốn có quà để tặng trẻ con nhưng vì kiếm được món quà phù hợp thật khó nên tặng tiền gọi là tiền mừng tuổi. Tiền mừng tuổi chỉ là những đồng tiền lẻ, mới và mang tính chất tượng trưng nên chọn những món để mua bằng tiền mừng tuổi cũng mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn.

Con tôi thắc mắc: “Nhưng tiền mọi người đã cho con là của con, con muốn mua gì thì mua chứ!”. Nghe con nói, tôi vừa bực vừa buồn cười nhưng vẫn cố giải thích cho con tới nơi tới chốn: “Mỗi đứa trẻ sẽ tự chọn cho mình một cách sử dụng tiền lì xì sao cho ý nghĩa. Con có thể dùng tiền đó để mua sách, vì sách cho ta kiến thức. Con có thể mua đồ chơi để giải trí. Nếu gia đình khó khăn thì con có thể dồn tiền lì xì mua quần áo, giày dép, cặp sách, dụng cụ học tập... Con cũng có thể dùng tiền lì xì để ủng hộ đồng bào gặp thiên tai… Đôi khi những đồng tiền của mình có thể góp phần chữa bệnh cho những người nghèo, cứu được nhiều người...”.

Con trai tôi cố vớt vát: “Nhưng mua máy chơi game là để con giải trí sau những giờ học căng thẳng. Như vậy đồng tiền con dùng có ý nghĩa mà mẹ”. Tôi cố thuyết phục con: “Năm rồi kết quả học tập của con tương đối tốt nhưng mẹ sợ chiếc máy đó sẽ là con dao hai lưỡi. Nó giúp con giải trí nhưng vẫn có thể là nguyên nhân của sự sao lãng học hành. Tiền lì xì mà sử dụng không đúng thì những lời chúc tốt đẹp của mọi người sẽ bay mất. Nếu biết rằng tiền mình tặng khiến những đứa trẻ học hành sa sút thì những người lì xì chắc sẽ áy náy lắm…”. Nghe đến đây, con tôi mới có vẻ nguôi ngoai.

Thật ra theo tâm lý trẻ con, tiền lì xì là tiền được cho, không phải là tiền mồ hôi nước mắt nên thường bị con trẻ coi nhẹ giá trị. Chúng thường sử dụng những đồng tiền này một cách qua loa và dễ dãi. Nhiều đứa trẻ còn coi tiền lì xì là thước đo của sự giàu nghèo, sự rộng rãi và “ki bo” của người lớn. Vậy nên trọng trách của bố mẹ là giúp trẻ hiểu đúng ý nghĩa của những đồng tiền lì xì và hướng dẫn trẻ sử dụng sao cho phù hợp.

HÀ AN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm