Tiền nằm ở kho bạc trên 1 triệu tỉ đồng trong khi doanh nghiệp phải vay lãi cao

(PLO)- Chính sách miễn giảm thuế với giá trị  200 nghìn tỉ đồng/năm kéo dài nhiều năm qua sắp dừng lại. Sang năm 2025, Chính phủ chuyển hướng chính sách tài khoá thắt chặt, theo Bộ Tài chính.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

TP. HCM đóng góp gần 26% vào tổng thu NSNN chung

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách ước đạt hơn 1.038.000 tỉ đồng, bằng 61% dự toán năm và tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Tổng chi ngân sách ước đạt hơn gần 804.000 tỉ đồng, bằng 37,9% dự toán năm.

Bộ Tài chính
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Tài chính

Với TP.HCM, bà Trần Mai Phương - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết đã thu ngân sách hơn 267.000 tỉ đồng, bằng 55,38% dự toán năm, tăng 17,31% so cùng kỳ năm 2023, đóng góp gần 26% tổng thu ngân sách cả nước.

Chi ngân sách của đầu tàu kinh tế phía Nam thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước, chỉ gần 32.000 tỉ đồng, đạt gần 22% dự toán. Dù vậy, kết quả này đã cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái, tăng gần 19%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng hơn 91%.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 6-2024, cơ quan này đã phát hành hơn 156.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân là 10,89 năm; lãi suất bình quân 2,33%/năm, đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

Chính sách tài khoá mở rộng sẽ kết thúc vào cuối năm

Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến chính sách tài khoá mở rộng mà nội dung chính là chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân gần 200 nghìn tỉ đồng/năm sẽ chỉ áp dụng đến hết năm nay. Cũng tức là, bước sang năm 2025, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt. Các giải pháp điều hành sẽ tập trung hơn vào tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Chính sách miễn giảm thuế sắp kết thúc, từ năm sau sẽ thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Tài chính

“Tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn. Một phần nguyên nhân là từ những khó khăn, ách tắc chính sách”, ông Phớc nhận định.

Biểu hiện rõ nét là giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến tích cực, thậm chí 6 tháng đầu năm chỉ đạt gần 29%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khi, việc chậm trễ bắt nguồn từ ách tắc trong phê duyệt chủ trương đầu tư. Hệ lụy là rất lớn, bởi theo tính toán, nếu giải ngân vốn đầu tư công 1 đồng mà tốt thì sẽ kéo theo vốn đầu tư xã hội 2 đồng, tạo lan tỏa cho cả nền kinh tế.

“Do chậm giải ngân, số tiền nằm ở kho bạc trên 1 triệu tỉ đồng trong khi doanh nghiệp phải đi vay lãi suất cao. Nhiều địa phương còn không muốn nhận dự án ODA do gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, tôi đề nghị, các đơn vị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khi gặp khó khăn, các đơn vị trình, báo cáo lãnh đạo bộ, tôi sẽ ký và chịu trách nhiệm”, ông Phớc cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính cũng đề cập tới lĩnh vực bất động sản vốn còn nhiều khó khăn. Bởi nếu không được các bộ ngành, địa phương tháo gỡ, khơi thông, thì bất động sản trì trệ sẽ kéo lùi sự phát triển của cả nền kinh tế.

Như vậy, với việc dừng chính sách miễn giảm thuế, các bộ ngành, chính quyền các cấp cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục các hạn chế đã được nêu ra, mới mong tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế.

Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp tiến triển chậm. Thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp cơ quan nhà nước trực tiếp sở hữu (nhóm F1) chỉ thực hiện được với số vốn 139 tỉ đồng, thu về 149,2 tỉ đồng.

Còn các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong nửa đầu năm mới thoái vốn được 2 công ty con (F2) qua đó thoái số vốn 39,91 tỉ đồng, thu về 180,58 tỉ đồng.

Bộ Tài chính đã nhiều lần chỉ ra nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch được giao trải dài từ khâu lập kế hoạch cho đến khâu tổ chức triển khai thực hiện, giám sát kiểm tra.

Trong số đó, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa quyết liệt. Trong khi đó chưa đâu chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong nhiệm vụ này.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Để tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, cơ quan này cũng đang tổng hợp, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách vướng mắc liên quan đến sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm