Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến quy định cấm xuất cảnh khi nợ thuế, có trường hợp nợ thuế chưa tới 1 triệu đồng, tại họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Tài chính, chiều 18-6, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết: quy định cấm xuất cảnh khi pháp nhân, cá nhân nợ thuế đã được nêu trong Luật Quản lý thuế.
Theo ông Minh, biện pháp chủ yếu tập trung vào đối tượng là pháp nhân đại diện doanh nghiệp có nợ thuế lớn và người Việt Nam đang nợ thuế có kế hoạch ra nước ngoài định cư. Ngoài ra, biện pháp này cũng được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Với cá nhân thông thường, cơ quan thuế sẽ có tin nhắn nhắc nhở, đôn đốc khoản nợ cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, cơ quan thuế không thể nhắn tin cho tất cả các trường hợp nộp thuế. Việc này cơ quan thuế cũng cân nhắc phụ thuộc vào hồ sơ cụ thể, sau đó gửi yêu cầu cấm xuất cảnh sang cơ quan xuất cảnh.
Bộ Tài chính đánh giá tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Theo đại điện Tổng cục Thuế, với những cá nhân thắc mắc về khoản nợ nhưng lại không nắm được, thì hiện nay, ngành thuế đã triển khai ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế như Etax với khoảng 1 triệu người sử dụng.
"Trên Etax có thông tin thu nhập từ 2 nguồn trở lên phải tự quyết toán và nếu người dân trả lời không biết thì đó là trách nhiệm của người nộp thuế", đại diện Tổng cục Thuế nói.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng thông tin, trong thời gian 3 năm vừa qua, cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên, Etax đã thông báo. Tuy nhiên, một số trường hợp không nắm được bản thân nợ thuế là do đã thay đổi địa chỉ, không thông báo cập nhật cho cơ quan thuế nên không nhận được thông báo.
Cơ quan thuế cũng cho biết, sắp tới, đơn vị này sẽ dùng căn cước công dân làm mã số thuế, theo đó, công dân cần vào Etax để chủ động cập nhật căn cước công dân.
Như chúng tôi đã đề cập, thời gian qua, nhiều cơ quan thuế các tỉnh thành đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh, Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với nhiều giám đốc, người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế.
Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2024, thông tin tạm hoãn xuất cảnh nhiều giám đốc doanh nghiệp nợ thuế ngày càng nhiều. Thậm chí không ít giám đốc các doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế từ vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng đến hàng trăm tỉ đồng.
Theo các chuyên gia góp ý, cơ quan thuế cần đảm bảo thông báo cưỡng chế nợ thuế phải có xác nhận đã nhận để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp có giám đốc, người đại diện pháp luật khi bị tạm hoãn xuất cảnh.
Ngày 18-6, Chi Cục Thuế khu vực Duy Tiên - Lý Nhân (thuộc Cục Thuế tỉnh Hà Nam) đã có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Văn Khiêm (sinh năm 1972, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông Khiêm là Giám đốc Công ty CP Giầy Thượng Đình
Ông Khiêm bị hoãn xuất cảnh vì là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 13-6 tới khi nào người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Cùng ngày, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Duy Tiên - Lý Nhân cũng đã có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản đối với Công ty CP giầy Thượng Đình (địa chỉ tại: số 277 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).
Lý do bị cưỡng chế do người nộp thuế nợ tiền thuế đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 6,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế quá hạn.