Bộ Tài chính nhận diện bất cập của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

(PLO)- Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính vừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp góp ý cho hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Dự luật này vừa được Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, với dự kiến trình Quốc hội kỳ họp tháng 10 tới, và đến kỳ họp tháng 5-2025 sẽ thông qua.

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại đang bộc lộ một số “khoảng trống” pháp lý. Ảnh minh hoạ

Nhận diện bất cập, hạn chế

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được ban hành năm 2008, qua các lần sửa đổi năm 2013, 2014. Ngoài ra, một số luật liên quan cũng đã được sửa đổi từ đó đến nay.

Quá trình tổ chức thi hành, đến nay theo Bộ Tài chính đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, chồng chéo pháp lý. Chẳng hạn tính ổn định của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp chưa cao; một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn như cách xác định thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế…

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có mở ra cơ chế ưu đãi thuế gắn với phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc nhưng hiệu quả còn hạn chế. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu đồng bộ và khó tiếp cận.

Đáng chú ý, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang bộc lộ một số “khoảng trống” pháp lý trong điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh, khi Việt Nam tham gia Diễn đàn chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận (BEPS) và tham gia sáng kiến thuế tối thiểu toàn cầu.

Dự kiến sửa đổi, bổ sung những gì?

Với kết quả tổng kết nêu trên, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo, đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn tất những dự thảo ban đầu, theo đó việc sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào các quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế; quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế, được trừ và không được trừ khi tính thuế; quy định về phương pháp tính thuế và các quy định điều chỉnh thuế suất đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với yêu cầu, bối cảnh mới.

Cụ thể, về mức thuế suất, dự thảo bổ sung quy định về mức thuế suất đối với nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Áp dụng mức thuế suất 15%/năm đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm; 17%/năm đối với các doanh nghiệp có doanh thu từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hai mức thuế suất trên không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con, công ty liên kết mà doanh nghiệp mẹ, hoặc doanh nghiệp trong mối quan hệ liên kết không đáp ứng được các điều kiện thỏa mãn về doanh thu chịu thuế.

Đối với các trường hợp giảm thuế, dự thảo luật bổ sung quy định áp dụng mức thuế 10%/năm thời hạn 15 năm đối với các dự án đầu tư mới tại khu vực các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Bổ sung quy định áp dụng mức thuế 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in (riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế 10% như quy định hiện hành).

Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung các quy định áp dụng mức thuế 17%/năm (ưu đãi trong 10 năm) đối với các dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; bổ sung các quy định về thời gian áp dụng ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp, dự án công nghệ cao; dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…

Riêng đối với các trường hợp miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo luật bổ sung thêm 4 khoản thu nhập doanh nghiệp không phải chịu thuế, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon và chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu; thu nhập từ khoản hỗ trợ, bồi thường trực tiếp từ ngân sách Nhà nước; thu nhập từ các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa (đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ); thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với các trường hợp cơ bản, thiết yếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm