Tiếng gọi từ Sơn Trà

“Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng. Chúng tôi chọn giữ Sơn Trà, bảo vệ nguyên trạng vẻ tự nhiên đó cho con cháu chúng ta”.

Ông Vinh và nhiều nhà khoa học khác đứng về phía “bảo tồn” cho hay sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng để bảo vệ Sơn Trà trước những quan điểm cho rằng cần phải quy hoạch phát triển Sơn Trà trong cái gọi là sự hợp lý của nó. Phía bảo tồn cũng phải đối đầu với các nhà đầu tư, các vị có đất ở đây và các chính sách quy hoạch đầu tư to đùng của Bộ VH-TT&DL và chính quyền Đà Nẵng.

Tất nhiên sự xung đột giữa bảo tồn, cụ thể ở đây là bảo tồn thiên nhiên và xây dựng phát triển, không phải là vấn đề mới mẻ gì nhưng rõ ràng trong câu chuyện quy hoạch Sơn Trà sự xung đột ấy trở nên điển hình hơn bao giờ hết. Bởi lẽ đụng vào Sơn Trà không đơn thuần là chuyện khai thác thiên nhiên để làm dự án phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội mà chính là đụng vào lá phổi của Đà Nẵng, đụng vào hơi thở, linh khí của người dân Đà Nẵng; đụng vào môi sinh của loài linh trưởng quý hiếm sinh sống trường niên hàng bao thế kỷ qua ở vùng đất này - “nữ hoàng linh trưởng” voọc chà vá.

Rõ ràng sau những mất mát, các giá trị của thiên nhiên không thể nào lấy lại được từ hàng loạt sự cố môi trường, trong đó có sự cố Formosa, chúng ta chắc đã đủ giật mình, tỉnh ngộ. Rất nhiều phát ngôn “không đánh đổi môi trường” trong phát triển đã được phát đi từ người đứng đầu Chính phủ, bộ, ngành cũng như lãnh đạo các tỉnh, thành như một cam kết trước việc phải bảo vệ môi trường sống của đất nước, bảo vệ môi sinh cho tương lai con cháu. Người dân tất nhiên không muốn các phát ngôn ấy chỉ nằm trên lời nói mà nó phải được thể hiện một cách cụ thể, mạnh mẽ trong hành động của các nhà lãnh đạo.

Điều này buộc các nhà quản lý quy hoạch, xây dựng chính sách đối với Sơn Trà phải có một bản lĩnh quyết định mạnh mẽ, công tâm và có tầm nhìn. Quyết định đó phải lấy lợi ích của cộng đồng, đất nước làm nền tảng và là mục đích tối thượng. Quyết định đó, hy vọng rằng, sẽ không biến Sơn Trà thành miếng bánh ngon đặt trên bàn toan tính.

Xin hãy lắng nghe tiếng dân, lắng nghe cả sự vẫy gọi của những đau đớn vì mất môi trường mà chúng ta đã trải qua và trên hết lắng nghe tiếng vọng tương lai của những thế hệ mai này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm