Tiếp tục cắt điện nhiều nơi giữa đợt nắng nóng gay gắt

(PLO)- Cả nước tiếp tục phải cắt giảm điện cả khu vực sản xuất và sinh hoạt của người dân, khi miền Bắc, miền Trung bước vào đợt nắng nóng cuối tháng 5 đầu tháng 6.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau đợt cắt giảm sử dụng điện trong nắng nóng giữa tháng 5, những ngày này, nhiều cơ sở sản xuất và cả hộ dân ở nhiều nơi trên cả nước phản ánh bị cắt điện, gồm cả báo trước và không báo trước, trong nhiều giờ đồng hồ, thậm chí nguyên ngày khiến già trẻ khổ sở, vật vã giữa tiết trời nắng nóng.

Ở nhà mất điện, người dân kéo vào siêu thị để tránh nóng. Ảnh chụp tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên, Hà Nội, ngày 2-6. Ảnh: NT

Ở nhà mất điện, người dân kéo vào siêu thị để tránh nóng. Ảnh chụp tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên, Hà Nội, ngày 2-6. Ảnh: NT

Sản xuất, sinh hoạt đảo lộn vì mất điện

Tại Hà Nội, trao đổi với PLO, chị Nguyễn Tuyền, ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên cho biết nhà mình, hôm qua, 2-6, bị cắt điện 7h30 sáng mà không được báo trước, đến tận 17 giờ chiều mới có trở lại.

“Ở nhà chỉ có hai bà cháu, phải ăn bánh mì cho qua bữa chứ không nấu nướng gì được. Đang lúc nắng nóng 38-39oC, quạt nan liền tay mà mồ hôi vẫn đầm đìa”.

Chị kể về tình trạng gia đình mình và cho hay chiều tối qua đi làm về, ngang qua các tổ dân phố khác thấy tối om. Hỏi ra bà con ở đó cho biết khu vực nào chưa mất điện ban ngày thì sẽ bị phải tiết giảm hết đêm, kéo dài đến sáng hôm nay, 3-6

Việc cắt điện còn được triển khai với nhiều đơn vị sản xuất ở khu công nghiệp Quang Minh, bên huyện Đông Anh, cũng Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Loan, cho biết công ty mình bị cắt điện hơn một giờ ngày 1-6, đến sáng hôm sau, công nhân đến làm việc thì lại được thông báo sẽ mất điện cả ngày, nên lục tục ra về.

“Không chỉ đơn vị tôi mà nhiều công ty khác ở trong khu công nghiệp này cũng bị cắt điện nên họ cho công nhân nghỉ việc hết ngày, sau đó sắp xếp làm bù vào ngày khác” - chị Loan cho hay.

Thiếu điện trên cả nước

Trên mạng xã hội, việc mất điện cũng được bàn luận sôi nổi ở nhiều nơi trên cả nước. Như ở Bắc Giang, khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, nơi thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng bị tiết giảm phụ tải.

Trang Facebook có nick Kun Mon đưa ảnh nhiều người mặc đồng phục đang dắt xe ra cổng, giải thích: “KCN Quang Châu - Công ty mất điện nên cho công nhân về”.

Công nhân một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang phải nghỉ việc sáng 2-6 do không có điện để sản xuất. Ảnh: FB.

Công nhân một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang phải nghỉ việc sáng 2-6 do không có điện để sản xuất. Ảnh: FB.

Bình luận về những hình ảnh này, một người đưa ra thông báo tạm ngừng cấp điện đột xuất ngày 1-6 của Điện lực Việt Yên gửi các khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp Quang Châu và cụm công nghiệp Đồng Vàng.

Văn bản này cho biết do thời tiết nắng nóng cực đoan, phụ tải tăng cao, để đảm bảo an ninh hệ thống điện, Công ty Điện lực Bắc Giang sẽ phải ngừng cấp điện các khách hàng thuộc nhiều đường dây của hai trạm biến áp 110kV mã số E7.26, E7.18. Thời gian cắt điện từ 9-24h ngày 2-6.

Tại Nghệ An, Điện lực huyện Quỳnh Lưu cũng thông báo kế hoạch cắt điện ở nhiều khu vực, trong các khoảng thời gian khác nhau của ngày 2 và 3-6.

Thủy điện đang kiệt quệ

Lý giải về việc này, ngành điện cho biết ngoài nguyên nhân vào đợt nắng nóng, nhu cầu dùng điện tăng cao, thì vấn đề lớn nhất hiện nay là nước tại các hồ thủy điện trên cả nước giảm rất sâu so với trung bình nhiều năm.

Đến thời điểm cuối tháng 5, sản lượng điện quy đổi còn lại tính theo mực nước trong các hồ thủy điện toàn hệ thống là 2,35 tỷ kWh, hụt hơn 1,736 tỷ kWh so với kế hoạch năm, trong đó các thủy điện miền Bắc thấp hơn 1,23 tỷ kWh.

8/12 hồ thủy điện ở miền Bắc có mực nước bằng và gần mực nước chết. Một số hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã có mực nước rất thấp và nguy cơ về mực nước chết nếu tình hình thủy văn không được cải thiện, cụ thể như: Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hủa Na, Thác Bà.

Có thể cảm nhận cụ thể về tình hình này như sau: Nếu khai thác tối đa hết công suất thì thủy điện Lai Châu, thủy điện Hủa Na chỉ chạy 0,4 ngày là phải dừng sản xuất. Còn các thủy điện như Thác Bà là 0,5 ngày, Sơn La (0,9 ngày), Tuyên Quang (0,8 ngày), Bản Chát (1,5 ngày).

Với điện than, trong thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, các tổ máy trên cả nước đều suy giảm công suất và dễ xảy ra sự cố. Điển hình tại trong ngày 1-6, hàng loạt tổ máy nhiệt điện ở phía Bắc gặp sự cố, gồm Phả Lại 1, S6 Phả Lại 2, S2 Cẩm Phả, S1 Vũng Áng 1, S2 Nghi Sơn 2, S2 Mạo Khê, S1 Quảng Ninh, S2 Thăng Long, S1 Sơn Động.

Giải pháp: Tiết kiệm và cắt điện

Khắc phục tình trạng thiếu điện nghiêm trọng này, giải pháp cơ bản mà Bộ Công Thương, EVN vẫn đang kiên trì triển khai là kêu gọi khách hàng tích cực tiết kiệm điện.

Ngoài ra, các công ty điện lực trên toàn quốc những ngày qua đã liên tục vận động các khách hàng có máy phát dự phòng thì đưa vào phát điện để giảm sử dụng điện lưới.

Chẳng hạn, lệnh sản xuất ngày 1-6 của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã lên danh sách các khách hàng có máy phát dự phòng, giao cụ thể cho các công ty điện lực cấp dưới chủ động làm việc với khách hàng, huy động tối thiểu 30% công suất số máy phát dự phòng này, vào thời gian cao điểm từ 10h30 – 12h30 cùng ngày.

Cùng với đó, điện lực các tỉnh thành cũng triển khai phương án điều khiển phụ tải, để cắt giảm mức tiêu thụ điện trong thời gian cao điểm của những ngày nhu cầu sử dụng điện tăng vọt. Việc cắt giảm trước hết được áp dụng với các khách hàng sử dụng điện lớn, khách hàng có máy phát dự phòng, và bất khả kháng mới cắt điện sinh hoạt của người dân.

Và đây là đợt cắt điện thứ hai, sau lần đầu vào đợt nắng nóng hồi giữa tháng 5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm