Tiếp tục siết việc cách ly xã hội để chống dịch

Sau hơn một tuần thực hiện việc cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng, hầu hết địa phương đều thực hiện triệt để bằng nhiều biện pháp như xử phạt người không đeo khẩu trang, lập hàng ngàn trạm kiểm soát trên các tuyến đường, lập các khu cách ly tập trung cho người từ tỉnh, thành có dịch đến…

Tuy nhiên, đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong một bộ phận người dân và đến chiều tối 9-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, hầu hết lãnh đạo các địa phương cho hay sẽ tiếp tục siết việc cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

TP.HCM, Hà Nội sẽ xử nghiêm việc dân ra đường

Chiều 9-4, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết: TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Công văn 2601 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, TP đã kiên định sáu nguyên tắc chống dịch, năm phương châm chống dịch tại chỗ; yêu cầu người dân không làm việc, tiếp xúc với người không mang khẩu trang.

Từ ngày 28-3 đến nay, TP.HCM đã xử phạt gần 2.500 người không mang khẩu trang, thực hiện phân cấp giám sát các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Đặc biệt, đoàn công tác liên ngành sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Pouyuen với hơn 72.000 lao động để xem xét các giải pháp khắc phục rủi ro lây nhiễm, có hướng chỉ đạo phù hợp.

Về việc thiết lập 62 chốt, trạm kiểm tra chống dịch, đến nay TP.HCM đã kiểm tra hơn 80.000 ô tô, xe máy với gần 110.000 người. Kết quả đã phát hiện 60 người có thân nhiệt cao, trong đó có một người nghi mắc COVID-19.

“TP.HCM không chủ quan, lơ là và xác định từ nay đến ngày 15-4 là “cơ hội vàng” để khống chế dịch bệnh” - ông Liêm nói và cho biết TP sẽ kiên quyết, khẩn trương hơn trong việc phòng, chống dịch.

Ông cũng cho biết đang có tâm lý lơ là, chủ quan nên cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Về tình trạng người dân đi ra đường nhiều, ông cho hay cần tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức. “Hiện nay 2,5 triệu học sinh, sinh viên không đi học là đã bớt được rất nhiều phương tiện. Những phương tiện công cộng tới giờ cũng đâu hoạt động. Những người ra đường ở đây 1/3 là dân công sở, công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất và một số lực lượng vũ trang, đội ngũ chống dịch” - ông Liêm nói.

“Chúng tôi rất lo lắng phát sinh ca nhiễm ở một số khu vực đông công nhân. Chỉ cần bị một ca nào ở chợ, siêu thị hay khu công nghiệp là điều không hay. Sở, ngành phải tập trung thực hiện” - ông Liêm nói.

Người dân thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt khi đi qua chốt kiểm soát trước sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Liêm cũng cho biết UBND TP vừa ký văn bản tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng vì số người dân ra đường tăng trở lại với những lý do không rõ, không cần thiết, không đảm bảo tối thiểu khoảng cách 2 m và không đeo khẩu trang…

Ở Hà Nội, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết ông vừa tham dự họp giao ban trực tuyến của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 tại điểm cầu Hà Nội.

“Thủ tướng kết luận rồi, là phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội” - ông nói.

Hà Nội cũng sẽ triển khai đến các địa phương trên địa bàn tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ chỉ thị của Thủ tướng.

Theo báo cáo, đến ngày 9-4, Công an TP Hà Nội đã phối hợp cùng các địa phương trên địa bàn xử lý 552 trường hợp người dân ra đường không đeo khẩu trang, xử lý hai cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động trong mùa dịch…

Về tình trạng người dân ra đường có dấu hiệu gia tăng, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết: Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng vừa có chỉ đạo yêu cầu các địa phương trên địa bàn phải chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt hành vi ra đường không đeo khẩu trang.

Cần Thơ, Quảng Nam thận trọng tối đa

Tại Cần Thơ, nơi có hai ca mắc COVID-19 thì một ca (BN154) đã khỏi bệnh, người còn lại đang được điều trị tại BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, tình trạng sức khỏe ổn định.

Tính từ ngày 1-4 đến nay, có 116.706 người từ các tỉnh, thành khác vào Cần Thơ và được kiểm soát y tế chặt chẽ.

Người dân chấp hành nghiêm phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch hay giữ khoảng cách khi tiếp xúc… Các địa điểm có hiện tượng người dân tập trung đã có lực lượng chức năng ứng trực để nhắc nhở, tuyên truyền. Các quán bán hàng ăn uống, giải khát đóng cửa… vì cán bộ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở.

Còn tại Quảng Nam, ghi nhận của PV tại TP Tam Kỳ, các tuyến đường vắng xe cộ qua lại, người dân thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Nhiều cửa hàng buôn bán các mặt hàng không thiết yếu treo biển đóng cửa... hoặc chỉ phục vụ người dân có nhu cầu mua mang về.

Tại các khu vực chợ, ban quản lý, bảo vệ buộc người dân vào chợ phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Các tiểu thương được yêu cầu giữ khoảng cách 2 m.

Quảng Nam cũng thành lập tám chốt chính tại các cửa ngõ và 63 chốt phụ để kiểm soát y tế chặt chẽ người đi lại.

Còn ở Thừa Thiên-Huế thì thực hiện nghiêm nguyên tắc một công dân đến lưu trú tại địa phương hoặc đến công tác, làm việc tại cơ sở sản xuất phải có một cán bộ chịu trách nhiệm giám sát dịch tễ. Thừa Thiên-Huế cũng xử nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm về phòng, chống dịch, không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay: Tinh thần của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh vẫn bám sát mục tiêu đặt ra ban đầu là phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và thực hiện xuyên suốt ở mọi lúc, mọi nơi. “Tiếp tục “rà từng ngõ, gõ từng nhà”, giám sát chặt chẽ các đối tượng trở về từ những địa phương có dịch, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội” - ông nói.

Bắc Giang yêu cầu dân không đến TP.HCM, Hà Nội

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu tất cả công dân Bắc Giang, kể từ ngày 9-4, nếu không vì lý do công vụ thì không được đi đến các tỉnh, TP có dịch (bao gồm Hà Nội, TP.HCM).

Trường hợp đặc biệt buộc phải đi đến các địa phương trên thì phải báo cáo ban chỉ đạo cấp huyện. Khi về phải cách ly tập trung 14 ngày, sau đó tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày.

Ngoài ra, các trường hợp trở về có liên quan đến BV Bạch Mai (đi khám, chữa bệnh, thăm người thân, lái xe chở bệnh nhân…) phải kéo dài thời gian cách ly từ 14 ngày lên 28 ngày kể từ ngày trở về địa phương.

Người dân Bắc Giang từ nước ngoài trở về hoặc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đến Bắc Giang phải cách ly thêm 14 ngày nữa tại gia đình sau khi đã hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung.

Các trường hợp từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh có ca nhiễm COVID-19 đến Bắc Giang thực hiện công việc cần thiết thì phải liên hệ, thông báo trước cho ban chỉ đạo tỉnh để được chấp thuận và hướng dẫn các biện pháp phòng dịch.

• Chiều 9-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho biết trong những người đang cách ly tập trung tại tỉnh này có một số người đến từ các vùng có dịch trong nước như TP.HCM, Hà Nội... Tỉnh tổ chức phục vụ ăn uống, sinh hoạt đầy đủ đối với những người cách ly này. “Trước mắt, tỉnh lo toàn bộ chi phí và chưa đặt vấn đề yêu cầu người được cách ly phải chi trả. Nhìn chung, những người cách ly đều có thái độ hợp tác tốt” - ông Hùng thông tin.

• Từ ngày 9-4, năm trạm kiểm soát liên ngành trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt ra vào tỉnh Khánh Hòa bắt đầu hoạt động để kiểm tra, kiểm dịch y tế đối với người và phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông vào Khánh Hòa… Khánh Hòa chưa có quy định cách ly tập trung đối với những người đến từ các vùng dịch trong nước.

Với những người cách ly tập trung bắt buộc, tỉnh tổ chức phục vụ ăn uống, sinh hoạt nên không đặt vấn đề thu phí.

• UBND TP Hải Phòng đang chỉ đạo các địa phương thống kê người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 để hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng tùy theo đối tượng. Ước tính có hàng trăm ngàn người, hộ gia đình sẽ được hỗ trợ trong đợt này.

T.LỘC - Đ.HOÀNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới