Ngày 7-3, TP Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Cát Bi (7-3-1954 – 7-3-2024).
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, cùng toàn thể đồng bào, chiến sĩ đã đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chiến thắng Cát Bi là chiến thắng lớn nhất về tiêu diệt phá hủy nhiều máy bay của địch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của quân và dân cả nước ta.
Chiến thắng to lớn ở Cát Bi có ảnh hưởng vang dội trên khắp các chiến trường toàn quốc, đã cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta. Ngược lại, quân địch bị một đòn sấm sét bất ngờ ở Cát Bi càng hoang mang, bối rối.
Bị tổn thất nặng nề, liên tiếp, địch càng gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển tiếp tế cho các chiến trường, nhất là chiến trường chính Điện Biên Phủ đang bị quân ta bao vây.
Có thể nói, chiến thắng Cát Bi góp phần làm đảo lộn, phá sản kế hoạch Na-va của thực dân Pháp, chặt đứt một con đường tiếp viện quan trọng của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn quyết liệt nhất.
Chiến thắng Cát Bi đã đi vào lịch sử kháng chiến của dân tộc, đi vào lịch sử TP Hải Phòng với biểu tượng "Cát Bi rực lửa", cùng với "đường 5 anh dũng", "đường 10 quật khởi"... góp phần làm nên truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng" vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng...
Với chiến công vang dội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích vào sân bay danh hiệu "Đoàn dũng sĩ Cát Bi". Chính phủ tặng thưởng cho đơn vị Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, hai Huân chương Quân công hạng Ba và 28 Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất cho cán bộ chỉ huy và chiến sĩ tham gia trận đánh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng nhấn mạnh, chiến thắng Cát Bi đã đi qua 70 năm, nhưng những bài học về chiến tranh du kích, về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, về xây dựng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, ý thức tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, xác định đúng đường lối cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam… đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đây là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng hôm nay tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
“Hãy tiếp tục thắp sáng “Ngọn lửa Cát Bi” trên các lĩnh vực phát triển của TP, phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ vào năm 2030, là pháo đài thép bên bờ biển Đông của Tổ quốc” – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng nói.
Chiến thắng Cát Bi 70 năm trước
Để cứu vãn tình thế thất bại, bước vào Thu - Đông 1953, thực dân Pháp với sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Na-va, tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh ở Việt Nam nhằm giành thắng lợi có tính quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng.
Quân viễn chinh Pháp điều động các đơn vị cơ động nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, thông qua việc tăng viện, tiếp tế bằng cầu hàng không từ Hà Nội và Hải Phòng… ý đồ thách thức quân, dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến của Kế hoạch Na-va.
Với quyết tâm “chia lửa” với chiến trường chính Điện Biên Phủ, mọi công tác chuẩn bị kế hoạch tác chiến, bảo đảm cho trận đánh đã được Tỉnh ủy, tỉnh đội Kiến An khẩn trương tiến hành. Các quân báo viên của ta đã được tung vào Cát Bi điều tra tình hình sân bay, kết hợp nhiều nguồn tin, ta dần nắm chắc tình hình địch, biết rõ các vị trí, tháp canh và quy luật tuần tiễu, canh gác của chúng.
Sau khi nghiên cứu, phương án sử dụng một lực lượng nhỏ, bảo đảm chất lượng, hành động bí mật, bất ngờ, tranh thủ chủ động đột nhập sân bay phá hoại lớn, đánh nhanh, giải quyết nhanh và nhanh chóng rút về căn cứ trước khi trời sáng để bảo toàn lực lượng.
Lực lượng trực tiếp tập kích vào sân bay gồm 32 đồng chí được lựa chọn kỹ trong các đơn vị, tổ chức thành hai bộ phận, ngày đêm hăng say tập luyện theo yêu cầu trận đánh.
Đến đêm ngày 6-3-1954, từ vị trí ém quân, các chiến sĩ hướng về sân bay Cát Bi rực sáng ánh điện, vượt qua nhiều vị trí, tháp canh, bãi lầy, sông lạch với tốc độ nhanh nhất. Đúng 1 giờ sáng ngày 7-3, tiếng nổ lựu đạn và bộc phá vang dậy cả sân bay, 59 máy bay địch bốc cháy cùng nhiều phương tiện, vũ khí bị phá huỷ.
Đám cháy kéo dài thành một vệt dài, sáng rực dọc đường băng suốt 17 tiếng đồng hồ, bọn địch kinh hoàng không biết tiếng nổ từ đâu dội tới, chúng tập trung hoả lực mạnh đánh trả, song các chiến sĩ của chúng ta đã rút ra ngoài an toàn. Bộ đội Kiến An đã thực hiện thắng lợi vượt mức yêu cầu Khu ủy đề ra.
Đây là chiến thắng lớn nhất về tiêu diệt phá hủy nhiều máy bay của địch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của quân và dân cả nước ta.