Các nhà thiên văn học Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa tìm thấy bảy hành tinh có thể có sự sống, theo một nghiên cứu của NASA công bố trên tạp chí Nature ngày 22-2.
Bảy hành tinh này có kích cỡ tương đương Trái đất, ba trong số này xoay quanh một ngôi sao mẹ được đặt tên là Trappist-1. Đường kính ngôi sao Trappist-1 khoảng 8% đường kính mặt trời. Ngôi sao này là một thiên thể nhỏ, không sáng rõ thuộc chòm sao Aquarius - Bảo Bình. Ngôi sao này nằm cách Trái đất khoảng 40 năm ánh sáng, tương đương 44 triệu năm nếu so với tốc độ một máy bay thương mại.
Hình dáng bảy hành tinh gần ngôi sao Trappist-1 được cho là có thể có sự sống, trình bày theo dữ liệu các nhà khoa học thu thập được. Ảnh: REUTERS
“Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện được cùng lúc quá nhiều hành tinh kích cỡ Trái đất xoay quanh cùng một ngôi sao” - nhà nghiên cứu Michael Gillon tại ĐH Liege (Bỉ) nói trong cuộc họp báo ngày 22-2 tại Mỹ công bố nghiên cứu.
Vì sao Trappist-1 nhỏ, mát nên các nhà khoa học dự đoán khu vực lân cận ngôi sao này cũng có thể có sự sống. Bề mặt ít nhất ba hành tinh xoay quanh ngôi sao Trappist-1 được dự đoán có nước, một dấu hiệu của sự sống. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể kiểm tra không khí ở các hành tinh để tìm hiểu thêm dấu hiệu của sự sống.
Hình dáng ngôi sao Trappist-1 nhìn từ một trong bảy hành tinh vừa được phát hiện, được cho là có thể có sự sống, được phác họa căn cứ dữ liệu của NASA. Ảnh: REUTERS
“Tôi nghĩ chúng ta đã tiến được một bước mang tính quyết định để tìm ra hành tinh có sự sống ngoài Trái đất” - theo nhà thiên văn học Amaury Triaud tại ĐH Cambridge (Anh).
Trong khi đó, nhà khoa học Thomas Zurbuchen, trưởng nhóm các nhà khoa học NASA, tự tin: “Phát hiện này cho thấy việc tìm kiếm một Trái đất thứ hai không phải là chuyện có thể hay không nữa, mà là khi nào”. Lâu nay các nhà nghiên cứu đã tập trung tìm kiếm các hành tinh có kích cỡ Trái đất có nhiệt độ, nước, không khí… các điều kiện cần cho sự sống.
Nhà thiên văn học Nikole Lewis so sánh kích cỡ Trái đất (bên dưới) với một trong bảy hành tinh tại cuộc họp báo ngày 22-2 ở Washington (Mỹ). Ảnh: REUTERS
Theo các nhà khoa học, dù các hành tinh này hiện không có sự sống chăng nữa thì nó cũng có thể sẽ tiến triển thành có sự sống về sau. Ngôi sao Trappist-1 hiện ít nhất 500 triệu năm tuổi nhưng có tuổi thọ tới gần 10.000 tỉ năm, nghĩa là vẫn còn rất nhiều thời gian để tiến hóa.
Các nhà khoa học tại cuộc họp báo công bố kết luận nghiên cứu đã tìm thấy bảy hành tinh có thể có sự sống ngày 22-2 tại Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, mặt trời đã tồn tại được một nửa chặng đường 10 tỉ năm tuổi thọ. Vài tỉ năm nữa, khi mặt trời không còn hoạt động được và hệ mặt trời không còn tồn tại thì Trappist-1 vẫn còn là một ngôi sao non trẻ, theo nhà thiên văn học Ignas Snellen (Hà Lan).