Tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản được đề xuất điều chỉnh linh hoạt hơn.
Bộ Xây dựng vừa phối hợp, thống nhất với Ngân hàng Nhà nước phân tích, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thị trường bất động sản năm 2011 và một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường này trong thời gian tới. Báo cáo cho biết: tình hình giao dịch bất động sản đã chững lại trong năm 2011. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản có sự tăng, giảm bất thường, tín dụng cho vay đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đặc biệt là cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê (đầu cung) tăng tới trên 76%, trong khi cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở (đầu cầu) lại giảm gần 27%. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, lãi suất vay tín dụng bất động sản trong năm 2011 có thời điểm lên tới trên 20%/năm nhưng hầu như không ký được hợp đồng tín dụng mới, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là đối với các dự án đang xây dựng dở dang. Thực tế cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Những cơn sốt giá nhà ở một vài năm trước đây, lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản cao đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường, dẫn đến các doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư phát triển bất động sản, kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Dư nợ cho vay các dự án bất động sản tăng nhanh, việc tập trung đầu tư quá lớn vào phân khúc bất động sản cao cấp, việc cấp phép phát triển dự án tại các địa phương thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn tại những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đủ để phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu về nơi ở, đã tạo nên những khu nhà ở bỏ hoang, lãng phí đất đai, tiền của. Tình trạng phát triển đô thị thiếu quy hoạch, kế hoạch, phát triển tự phát còn diễn ra phổ biến. Các dự án phân lô, huy động vốn tràn lan tạo nên nguồn cung ảo tăng vọt và nhiễu thông tin dự án, góp phần làm cho thị trường phát triển thiếu lành mạnh. Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước Việt Nam cảnh báo có những nguy cơ mất khả năng thanh khoản cục bộ tại một số tổ chức tín dụng tài trợ cho các dự án thiếu tính khả thi, các phân khúc bất động sản cao cấp có tính thanh khoản thấp. Các tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản quá lớn trong tổng dư nợ tín dụng hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng thực chất là cho vay bất động sản cũng có nguy cơ mất khả năng thanh khoản. Bộ Xây dựng nhận định: nhu cầu về bất động sản, nhất là nhà ở vẫn lớn. Mặt khác, thị trường bất động sản thứ cấp, chứng khoán hóa thị trường bất động sản ở Việt Nam hầu như chưa có; dư nợ tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ của toàn hệ thống tín dụng. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục một thời gian dài chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục giảm số tuyệt đối như hiện nay, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đóng băng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có khả năng hoàn thiện sản phẩm hoặc phải bán sản phẩm dưới giá thành và không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nhưng nếu có sự điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt, lãi suất ngân hàng ổn định, dòng tiền được hướng vào các phân khúc thị trường có tính thanh khoản cao; công tác tuyên truyền đúng hướng, tạo được niềm tin vào thị trường của những người có nhu cầu mua thì thị trường sẽ sớm phục hồi. Do vậy, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước thống nhất đề xuất một số giải pháp kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản. Một là: tiếp tục thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ giảm tốc độ và tỷ trọng tín dụng bất động sản theo lộ trình hợp lý, tránh giảm đột ngột, gây sốc cho thị trường. Điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản. Một số khoản mục phải giảm tỷ trọng, như: vay xây dựng khu đô thị; văn phòng cho thuê; chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng. Một số khoản mục cần phải tăng tỷ trọng cho vay, như: vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở, vay để hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư. Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà, nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường bất động sản. Hai là: tăng cường công tác quản lý, kiểm soát bảo đảm thị trường bất động sản, nhất là bất động sản nhà ở phát triển cân đối giữa cung và cầu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng của các khu đô thị mới; tổ chức rà soát, kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, không có khả năng kết nối hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị. Thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầu tư, của người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hoàn thiện nhà ở; Các giải pháp tiếp theo được đề xuất là tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm để bảo đảm an sinh xã hội; sớm giải quyết các vướng mắc về xác định giá đất, nộp thuế thu nhập cá nhân trong kinh doanh bất động sản; tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh bất động sản...
Theo PHAN DƯƠNG (VnEconomy)