Ngày 6-12, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” với chủ đề “Phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.
Tại đây, thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được nhiều chuyên gia bàn tới. Dù những con số liên quan đến phát hành có thể ấn tượng nhưng thực chất thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, theo quan điểm của TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.
Xuất khẩu vẫn dựa vào doanh nghiệp FDI
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, những quy định mới về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong Luật Chứng khoán sửa đổi đã phần nào giúp thị trường khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phản ánh rõ nét cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP ở Việt Nam cao nhưng phần lớn chỉ dựa vào xuất khẩu – khu vực mà các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào xuất khẩu và chủ yếu chỉ là các doanh nghiệp trong ngành nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của GDP còn đến từ đầu tư nhưng cũng giống như xuất khẩu, lĩnh vực đầu tư của Việt Nam xuất phát chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI.
"Một động lực khác là bán lẻ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào khối FDI. Nếu không có cải cách mạnh mẽ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp – kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp - về cả số lượng lẫn công nghệ và kĩ thuật thì chúng ta khó có thể vực dậy các doanh nghiệp nội địa. Khi đó, tăng trưởng của nền kinh tế chỉ có thể tiếp tục dựa dẫm vào các doanh nghiệp FDI” - ông Nghĩa nói.
Về thực trạng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nghĩa cho rằng cơ cấu tham gia thị trường này chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng. Tuy nhiên, việc huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng chủ yếu phục vụ cho mục đích tăng vốn cấp 2, từ đó tăng huy động và cho vay. Còn các doanh nghiệp bất động sản lại đang rơi vào cảnh khó khăn khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa khác thì thiếu vốn trầm trọng nhưng không thể tham gia sân chơi trái phiếu doanh nghiệp vì kỳ hạn ngắn (khoảng 3 năm) mà lãi suất lại rất cao.
“Nếu trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục chỉ dựa vào bất động sản thì năm tới vẫn sẽ còn khó khăn. Đây cũng là vấn đề chúng ta phải cảnh giác” - ông Nghĩa lưu ý.
Theo ông Nghĩa, để giải quyết được những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, điều đầu tiên cần làm là giải quyết các dự án bất động sản lớn đang bị "đóng băng” tại các tỉnh thành.
“Chỉ khi đó, thị trường bất động sản mới khởi sắc, kéo theo trái phiếu doanh nghiệp đi lên. Ngoài ra, cần thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp" - ông Nghĩa nhận định.
Cần nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Đồng quan điểm với TS Lê Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ Công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI, đánh giá những thay đổi trong Luật Chứng khoán sửa đổi liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhìn chung sẽ giúp thị trường phát triển theo hướng chặt chẽ hơn.
“Những điều kiện khắt khe hơn về trái phiếu doanh nghiệp trong Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giúp giải tỏa tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường này. Các thay đổi này giúp mở đường cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường, kích thích sự sôi động vốn có của kênh huy động vốn này” - ông Hải nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng gợi mở rằng cần phải huy động thêm các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa tệp khách hàng tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Trước đây, việc mở tài khoản để giao dịch TPDN đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vốn đã phải tuân theo những quy định rất chặt chẽ. Chúng ta không cần ra thêm những quy định liên quan đến vấn đề này, thay vào đó cần xem xét và sửa đổi các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia” - ông Hải nói.
Theo báo cáo mới công bố của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong tháng 11-2024 đạt 23.4 ngàn tỉ đồng, tổng tính từ đầu năm đạt 403 ngàn tỉ đồng.
11% số tổ chức phát hành trái phiếu trong tháng 11 có hồ sơ tín nhiệm ở mức ‘Dưới trung bình’ hoặc yếu hơn, tất cả doanh nghiệp này đều thuộc nhóm phi tài chính. Trong tháng 11-2024, có một trái phiếu chậm trả gốc thuộc nhóm du lịch, nghỉ dưỡng.
Trong vòng 12 tháng tới, có khoảng 105 ngàn tỉ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành Bất động sản Nhà ở, chiếm 45% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn.