Tính minh bạch nhìn từ vụ đổi 100 USD

Trong vụ đổi 100 USD, UBND TP Cần Thơ tổ chức họp báo khẳng định việc xử phạt hành chính là đúng, trong khi nhiều câu hỏi báo chí đặt ra chưa được người phát ngôn trả lời. Theo báo chí phản ánh, cho đến nay các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa công bố công khai hồ sơ vụ việc để chứng minh mình làm đúng. Nhiều nhà báo đã liên hệ tìm hiểu nhưng chưa được cơ quan chức năng liên quan cung cấp đầy đủ hồ sơ.

Một trong những nguyên tắc trong xử phạt vi phạm hành chính là: Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Rõ ràng việc xử phạt hành chính vụ đổi 100 USD tại Cần Thơ không thuộc diện bí mật, tại sao lại không công khai hồ sơ vụ việc?Nếu các cơ quan chức năng ở Cần Thơ cho rằng mình làm đúng thì phải công khai toàn bộ quá trình xử lý và cung cấp để báo chí đưa tin, minh định cho rõ. Chỉ có như thế thì dư luận mới ủng hộ, còn việc né tránh chỉ làm cho dư luận thêm nghi ngờ.

Tương tự, trong vụ hàng loạt biệt thự mọc trái phép ở đất quy hoạch rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, việc cung cấp thông tin về người vi phạm cũng mang tính “nửa vời”.

Các cơ quan chức năng đã kết luận cần tháo dỡ các công trình sai phạm để khắc phục. Tuy nhiên, cho đến nay chủ các công trình xây dựng vi phạm là những ai thì các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa công khai, chưa cung cấp thông tin cho báo chí, dù với chức trách quản lý về đất đai và xây dựng, các cơ quan liên quan đương nhiên nắm rõ điều này.

Chủ các công trình sai phạm là ai, đại gia hay quan chức, có gì tế nhị không mà phải giấu tên họ? Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc, nghi ngờ không phải không có lý do. Dân nghèo sửa chữa nhỏ, vi phạm là cán bộ quản lý trật tự xây dựng tại địa phương biết ngay nhưng những biệt phủ đồ sộ như ở Sóc Sơn rầm rộ mọc lên thì dường như không ai thấy? Đến khi xác định có sai phạm rồi, phải tháo dỡ để khắc phục rồi mà thông tin vẫn không được cơ quan chức năng liên quan công khai.

Liên quan đến chuyện này, trả lời báo chí, có lần cán bộ của xã có ý rằng chủ của những công trình vi phạm này là người có uy tín nên việc công khai danh tính, xử lý vi phạm khó và phải thận trọng. Với tư duy như vậy thì còn đâu là sự công bằng trong xã hội. “Quân pháp bất vị thân”, việc xử lý vi phạm không có vùng cấm và mọi người bình đẳng trước pháp luật là những tiêu chí mà cả hệ thống chính trị của chúng ta hướng đến. Và xin thưa rằng những người có địa vị xã hội, những người nắm giữ chức vụ cao trong xã hội càng phải tôn trọng và nêu gương trong việc chấp hành pháp luật. Việc chúng ta xử lý không nghiêm dẫn đến “lờn luật”. Đây là hệ lụy vô cùng nguy hiểm.

Đối với những vụ việc mà xã hội quan tâm và không thuộc trường hợp bí mật thì việc các cơ quan có thẩm quyền thông tin chi tiết, rõ ràng cho nhân dân thông qua báo chí là cách tốt nhất để giải tỏa những đồn đoán không tốt và cũng là nghĩa vụ của cơ quan nhà nước để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình. Việc công khai thông tin còn nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật. Còn nếu trong quá trình xử lý có những điểm chưa đúng thì cũng cần mạnh dạn sửa chữa, khắc phục. Chỉ có như thế thì xã hội mới tiến bộ và nhân dân mới yên tâm về những gì mà cơ quan nhà nước thực hiện.

Tóm lại, nếu việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền là đúng đắn thì nên cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí và đây là cách tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất. Trường hợp giám sát, phản biện của nhân dân cho thấy việc làm của cơ quan có thẩm quyền là sai thì cần phải xem xét và sửa cho đúng quy định của pháp luật. Có như thế niềm tin của nhân dân vào Nhà nước sẽ càng được củng cố.

Minh bạch thông tin trong những trường hợp này cần phải được thực hiện đến nơi đến chốn!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm