Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương nói về vụ đổi 100 USD

TS Cung nói: “Có những dấu hiệu cho thấy việc Công an Cần Thơ khám xét, tịch thu hơn 19.000 viên đá nhân tạo, 20 viên kim cương… và UBND TP Cần Thơ ra quyết định sung công số tài sản trên là trái luật”.

Không tịch thu tài sản bằng quyết định hành chính

. Phóng viên: Căn cứ nào để ông có thể phát biểu như trên?

+ TS Nguyễn Đình Cung: Nên nhớ rằng, Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

Số tài sản là đá nhân tạo, kim cương của chủ tiệm vàng không liên quan đến hành vi “mua bán 100 USD” (nếu có). Vì vậy, số tài sản này được Hiến pháp và pháp luật bảo hộ. Không ai, không một cơ quan nào có thể xâm phạm đến tài sản hợp pháp này, trừ khi số tài sản này được chứng minh là liên quan đến những vấn đề hình sự hoặc là tang vật của những vụ án hình sự.

. Nhưng vấn đề là UBND TP Cần Thơ đã nhân vụ “đổi 100 USD” giữa ông Rê và tiệm vàng Thảo Lực để tịch thu rồi sau đó sung công số tài sản trên. Ông thấy thế nào?

+ Tiệm vàng Thảo Lực là một doanh nghiệp. Họ có chức năng đầu tư và được luật bảo hộ quyền tài sản. Điều 9 của Luật Đầu tư đã quy định rõ rằng: “Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”.

Luật Doanh nghiệp cũng quy định tương tự: “Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính”.

Ông Nguyễn Đình Cung trao đổi với PV. Ảnh: CHÂN LUẬN

Các dữ kiện mà báo chí đã đăng tải cho thấy đá nhân tạo và kim cương của tiệm vàng Thảo Lực không phải để kinh doanh, mà là tài sản của họ và họ có quyền sở hữu.

Như thế, quyết định tịch thu số tài sản này, vì là một quyết định hành chính nên dù có nói thế nào thì quyết định ấy cũng có dấu hiệu trái luật, mà cụ thể là trái Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp như tôi vừa nói trên. Việc này chính quyền TP Cần Thơ cần được khắc phục và xử lý.

Phải trả lại tài sản

. Có ý kiến cho rằng, việc ông Rê cứ năn nỉ tiệm vàng Thảo Lực đổi 100 USD và lập tức bị trinh sát bắt quả tang là “cài bẫy”. Ông có nghĩ vậy?

+ Việc này khi chưa có chứng cứ xác thực thì khó có thể khẳng định. Nhưng có một cơ sở có thể căn cứ vào đó để xem xét đó là “nhật ký công vụ” của lực lượng chức năng. Nếu việc trinh sát, kiểm soát việc mua, bán ngoại tệ trên địa bàn TP Cần Thơ diễn ra thường xuyên và nhật ký công vụ ghi nhận việc này thì đó là một “hoạt động công vụ bình thường”.

Mặt khác, thực tế cuộc sống không chỉ tại TP Cần Thơ mà ở nhiều nơi, việc trao đổi ngoại tệ dạng này không phải là hiếm. Nếu nhật ký công vụ của lực lượng chức năng TP Cần Thơ trong những năm qua đều có việc bắt quả tang và xử phạt thì việc bắt quả tang ông Rê và tiệm vàng Thảo Lực là điều bình thường. Còn nếu chỉ có một vụ việc này bị bắt quả tang và xử lý thì đó là việc… bất thường.

.Theo ông, với vụ việc này, cơ quan chức năng TP Cần Thơ nên ứng xử như thế nào?

+ Vì những việc làm, quyết định của lực lượng chức năng TP Cần Thơ trong vụ việc này, như tôi đã nói ở trên, là vi hiến, trái luật, nên chỉ có một cách giải quyết. Đó là đình chỉ, thu hồi tất cả quyết định đã ban hành, trả lại tài sản hợp pháp cho tiệm vàng Thảo Lực.

Vì đã có dấu hiệu trái luật, cụ thể là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nên những cá nhân, tổ chức gây ra sự việc này cũng cần được xem xét, xử lý theo các quy định của pháp luật. Bởi hành động này đã xâm phạm trực tiếp quyền sở hữu tài sản của công dân mà pháp luật bảo hộ.

. Xin cám ơn ông.

Ngày 31-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết ông đang chỉ đạo các vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, báo cáo Thủ tướng như đã được chỉ đạo.

  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm