Đứng trước thực trạng ngày càng thiếu nguồn tinh trùng được hiến tặng, nước Anh đang quay sang tìm nguồn cung từ Đan Mạch mới có thể hy vọng đáp ứng được nhu cầu đang tăng cao của các cặp vợ chồng hiếm muộn, những phụ nữ độc thân muốn sinh con để làm mẹ đơn thân và cả cho những cặp đồng tính nữ. Nói chung, nguồn tinh trùng dành cho tất cả những ai phải nhờ đến thụ tinh nhân tạo để có con.
Tiền bạc không quan trọng
Cuối một lối đi nhỏ dẫn ra một con đường buôn bán sầm uất của thủ đô Copenhagen là cơ ngơi của một trong những ngân hàng tinh trùng lớn nhất châu Âu. Bên trong là những dãy dài hàng hàng lớp lớp những “bồn” chứa tinh trùng đông lạnh, những “vật phẩm” đang chờ được gửi đến những trung tâm hỗ trợ sinh sản trên khắp thế giới.
Khi nhìn John (tên giả), một trong 250 người hiến tinh thường xuyên, một trong những “mối ruột” được đăng ký tại “European Sperm Bank” (Ngân hàng tinh trùng châu Âu), bước qua cánh cổng, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn vì sao những người hiến tinh Đan Mạch đang được thế giới mến mộ. Bởi John là hình mẫu lý tưởng của một thanh niên cường tráng, chỉ mới ngoài 20 tuổi, với vẻ đẹp mạnh mẽ và nét lôi cuốn quyến rũ của dân tộc Bắc Âu. Mỗi tuần, anh đến ngân hàng này ba lần để hiến tinh và được trả 40 euro cho mỗi lần đến.
Chiếc “xe đạp tinh trùng” là hình ảnh ngộ nghĩnh gây hiếu kỳ trên đường phố Copenhagen do có hình một chú… tinh trùng!
John cho biết đối với anh, tiền bạc không quan trọng, anh chỉ quan tâm đến việc giúp đỡ người khác đang gặp khó khăn mà thôi. Thế nhưng mặc dù tiền “thù lao” cho vấn đề này tại Anh vẫn xấp xỉ như tại Đan Mạch, các trung tâm hỗ trợ sinh sản của xứ sở sương mù vẫn không sao “tuyển dụng” đủ số người tình nguyện hiến tinh trùng, trong khi nhu cầu thụ tinh nhân tạo tại Anh ngày càng tăng, biết rằng số lượng các cặp đồng tính nữ cần đến thụ tinh nhân tạo đã tăng 23% trong khoảng thời gian 2010- 2011.
Cuộc xâm lăng bằng... tinh trùng
Hậu quả là trong nhiều năm gần đây, nước Anh đã phải đẩy mạnh việc nhập khẩu tinh trùng từ nước ngoài lên gần gấp đôi, từ 11% lên 24% và 1/3 trong số các “sản phẩm nhập khẩu” đó đến từ Đan Mạch, đến nỗi chuyên gia trong lĩnh vực này - GS Allan Pacey thuộc ĐH Sheffield và là giám đốc cơ sở British Fertility Society đã phải thốt lên “như thể đây là cuộc xâm lăng của cướp biển Bắc Âu (Viking) vào năm 800” vậy! Tuy nhiên, “vào thời đó cướp biển Bắc Âu xâm chiếm chúng ta bằng chiến thuyền, còn ngày nay họ xâm chiếm chúng ta bằng tinh trùng”!
Vấn đề này một phần cũng là do chất lượng tinh trùng của người Anh quá kém, tinh binh Anh quốc quá yếu! Do đó các trung tâm hỗ trợ sinh sản của Anh chỉ có thể tuyển chọn được rất ít những người đạt chuẩn để hiến tinh. Tính trung bình, chỉ 1/20 các đối tượng nam giới đăng ký hiến tinh được công nhận đạt yêu cầu, bởi họ không chỉ phải bảo đảm tinh trùng có chất lượng tốt mà còn phải trải qua một chuỗi các xét nghiệm xem có mắc các căn bệnh di truyền hay các bệnh lây qua đường tình dục hay không và cả việc họ phải khai báo bệnh sử của gia đình. Vì thế các trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Anh cảm thấy sẽ dễ dàng hơn khi khuyên khách hàng quay sang tìm kiếm nguồn tinh trùng từ người Đan Mạch. Một trong những điểm mạnh của Đan Mạch là nguồn cung dồi dào.
Đây là chiếc xe đạp dùng để vận chuyển tinh trùng lưu động, bên ngoài bồn chứa của xe có viết dòng chữ bằng tiếng Đan Mạch “Bạn hãy trở thành người hiến tinh trùng”.
Một cặp vợ chồng người Anh đã từng chờ đợi mỏi mòn 10 năm mà không tìm thấy được một đối tượng hiến tinh phù hợp tại quê nhà và họ đã bực bội, không thể kiên nhẫn được nữa nên đã quay sang cầu cứu người... Đan Mạch! Họ nhìn nhận: “Nói thật lòng là gợi ý này đã khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều. Nhưng mà làm như thế thì sẽ không mảy may lo sợ gặp một người cho tinh có liên quan huyết thống ít nhiều gì với gia đình. Và chúng tôi đã phấn khích với ý nghĩ có được một nhóc tì mang dòng máu Đan Mạch, cho chắc ăn!”. Song, sau nhiều nỗ lực không thành với tinh trùng Đan Mạch, họ đã chuyển qua xài “hàng nội” từ một người Anh sau khi đến một cơ sở tư nhân và hiện đã có được một cậu bé kháu khỉnh. Tuy nhiên, trường hợp này không nhiều vì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để chờ đợi đến 10 năm.
Cách làm tiên tiến: Giúp người mua chọn giống tốt
Do thiếu nguồn tinh trùng được hiến tặng, việc lựa chọn tại Anh thường là rất giới hạn, ngoại trừ một vài chi tiết chủ yếu như về chiều cao và cân nặng, các thông tin về cá nhân của người cho luôn được giới hạn. Nhưng khi bà Annemette Arndal-Lauritzen, Giám đốc European Sperm Bank tại Đan Mạch, mở cho xem danh sách những người hiến tinh trên website của cơ sở thì các chi tiết cụ thể và chính xác về nhân thân của những người hiến tinh thật là quá đầy đủ. Chỉ cần một cú nhấp chuột, tất cả đã hiện ra, từ cá tính và tiền sử bệnh, cho đến lối sống, sở thích và thậm chí là ảnh của họ khi còn bé, tất cả đều được thu thập và lưu giữ. Trong website, người hiến tinh cũng có thể phát biểu bằng tiếng Anh để nói về các bộ phim, các món ăn và các bản nhạc mà anh ấy yêu thích. Chỉ riêng những chi tiết sau đây là không tìm thấy, đó là: hình ảnh hiện tại của họ, tên và địa chỉ liên lạc, bởi vì ngay cả đối với những người chọn hình thức hiến tinh công khai (known donor) thì bản thân họ vẫn luôn phải được giấu tên.
18 tuổi có thể nhận cha
Căn cứ theo luật pháp nước Anh, những người Đan Mạch nào có tinh trùng được gửi sang Anh phải là những người chọn hình thức hiến tinh công khai. Điều đó có nghĩa là nhân thân của người cha sinh học có thể sẽ được tiết lộ cho đứa trẻ biết khi chúng được 18 tuổi. Trong tương lai, những người Đan Mạch hiến tinh hiện nay có thể sẽ không chỉ được tiếp xúc với những trẻ em người Anh mà còn có thể với rất nhiều trẻ em quốc tịch khác mà họ đã “sinh” ra.
Anh John chỉ được cho phép hiến tinh cho 10 gia đình tại Anh mà thôi, song mầm sống của anh cũng đuợc gửi đến rất nhiều vùng lãnh thổ khác nhau trên khắp thế giới, đến những nơi có yêu cầu chỉ tiếp nhận tinh trùng từ những người hiến tinh công khai. Mặc dù mỗi một thể chế nhà nước đều có những quy định pháp lý riêng khác nhau trong lĩnh vực này nhưng hoàn toàn không có một giới hạn mang tính quốc tế nào quy định số lượng trẻ em mà một người hiến tinh được phép tạo ra. Và sẽ phải đợi đến khi thế hệ những đứa bé mang dòng máu Đan Mạch này đến tuổi trưởng thành để chúng có thể nói lên được ý kiến riêng của mình thì khi đó nước Anh và nhiều nước khác nữa mới biết được đâu là cái đích nhắm đến thật sự từ “cuộc xâm lăng” hiện nay của người Bắc Âu qua ngả… tinh trùng! Câu hỏi này khó có được lời đáp chính xác trong thời điểm hiện nay.
LẬP BÌNH (Theo The Daily Telegraph)