'Titanic hạt nhân' Nga ra khơi, báo động đồng minh Mỹ

Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga, có tên là Akademik Lomonosov và bị gọi là “Titanic hạt nhân” hay "Chernobyl nổi", đã bắt đầu hành trình trên biển đầu tiên bất chấp những chỉ trích.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov rời khỏi TP St.Petersburg, Nga để tới TP Murmansk hôm 28-4. Ảnh: Newsweek

Nhà máy này thực chất là một chiếc tàu mang theo các lò phản ứng hạt nhân. Nó đã được kéo ra khỏi TP St. Petersburg cuối tuần rồi trong hành trình băng qua biển Baltic để đến một căn cứ ở TP Murmansk, Nga, theo Independent.

Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới này sau đó sẽ được nạp nhiên liệu hạt nhân và kéo đến cảng Pevek ở Bắc Cực và được đưa vào vận hành vào mùa hè năm 2019. Akademik Lomonosov là dự án của công ty năng lượng hạt nhân Nga Rosatom nhằm cung cấp điện cho những khu vực xa xôi có điều kiện khắc nghiệt ở phía Bắc và Viễn Đông Nga. Rosatom khẳng định Akademik Lomonosov có khả năng cung cấp điện đủ dùng cho một thị trấn 100.000 người.

Theo Newsweek, khi nạp đầy nhiên liệu, nhà máy hạt nhân này được cho là sẽ vận hành hai lò phản ứng hạt nhân. Sau hoàn tất thử nghiệm, Rosatom sẽ triển khai “Titanic hạt nhân” tới bờ biển Siberia.

Akademik Lomonosov rời khỏi xưởng đóng tàu St.Petersburg. Ảnh: AP

Nga ban đầu có ý định nạp đầy nhiên liệu hạt nhân cho Akademik Lomonosov và thử nghiệm gần xưởng đóng tàu St.Petersburg, vùng biển giáp Estonia, Phần Lan, Latvia, Lithuania và Thụy Điển, theo Tổ chức Hòa bình xanh. Nhưng vì vấp phải phản ứng gay gắt từ người dân địa phương và chính phủ nước ngoài, nhà máy hạt nhân này phải khởi hành mà không có nhiên liệu.

“Titanic hạt nhân” đang di chuyển qua và xung quanh vùng biển Baltic trước khi được thử nghiệm ở vùng biển hẻo lánh hơn.

Các nhóm bảo vệ môi trường, trong đó có Tổ chức Hòa bình xanh chỉ trích mạnh mẽ dự án này vì cho rằng nó là mối đe dọa lớn đối với môi trường. Giới chức các nước Bắc Âu, trong đó có Na Uy và Thụy Điển cũng đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra sự cố trên biển liên quan đến Akademik Lomonosov.

Các tổ chức lo ngại về một thảm hoạ nguyên tử Chernobyl thứ hai. Thảm họa nguyên tử Chernobyl  xảy ra vào ngày 26-4-1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraine (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết) phát nổ.  Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân.

Đáp lại, Rosatom khẳng định đã tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân. 

“Akademik Lomonosov được thiết kế với mức độ an toàn tuyệt đối và có khả năng vượt qua mọi mối đe dọa. Các lò phản ứng hạt nhân của Akademik Lomonosov có thể chống chọi được sóng thần và những thảm họa thiên nhiên khác” - tuyên bố của Rosatom khẳng định, đồng thời nhấn mạnh quy trình hạt nhân diễn ra bên trong Akademik Lomonosov đáp ứng toàn bộ yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và không đe dọa môi trường.

Akademik Lomonosov hiện đang di chuyển tới TP Murmansk, Nga – hành trình trên biển đầu tiên hướng tới các eo biển hẹp chia tách Đan Mạch và Thụy Điển, sau đó thay đổi hướng đi về phía Bắc và di chuyển dọc bờ biển Na Uy, theo Newsweek.

Cận cảnh Akademik Lomonosov, nhà máy đện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới. Nga dự định xây dựng nhà máy thứ hai như vậy vào năm 2019. Ảnh: AP

Giới chức hàng hải ở Estonia, quốc gia đầu tiên mà Akademik Lomonosov di chuyển xung quanh, phàn nàn rằng của nhà máy điện hạt nhân này có khả năng cơ động hạn chế, khiến các tàu khác phải nhường chỗ cho nó, đài ERR đưa tin.

Akademik Lomonosov sẽ tiếp cận Thụy Điển vào tuần tới và sẽ tiếp tục đi qua eo biển Oresund phân cách giữa Đan Mạch và Thụy Điển. Cơ quan An toàn Bức xạ đang theo dõi chuyến đi của Akademik Lomonosov, cổng thông tin The Local cho biết.

Theo Independent, Nga dự kiến bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi thứ hai vào năm 2019. Truyền thông nhà nước Nga cho hay nhà máy này cũng có thể được bán cho các quốc gia khác.

Nga là một trong năm quốc gia tuyên bố cạnh tranh ở vùng biển Bắc Cực. Chiến lược hải quân hiện nay của Nga kêu gọi thiết lập một chỗ đứng vững chắc hơn trong khu vực. Nếu Akademik Lomonosov chứng tỏ được hiệu quả thì sẽ có thêm nhiều nhà máy tương tự nhà máy điện hạt nhân nổi này được triển khai, theo Newsweek.

Lầu Năm Góc: Nga sở hữu siêu ngư lôi hạt nhân
Lầu Năm Góc: Nga sở hữu siêu ngư lôi hạt nhân
(PLO)- Bản dự thảo Đánh giá chung về năng lực hạt nhân (Nuclear Posture Review) gần đây của Lầu Năm Góc xác nhận Nga đang sở hữu thiết bị không người lái hạt nhân dưới nước với khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 100 megaton.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm