Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh cáo các đồng minh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là không thể chấp nhận được và không giúp giảm căng thẳng hai bên, NATO ra tuyên bố ngày 2-3, một ngày sau khi ông Putin tuyên bố cứng rắn về hạt nhân.
Phát biểu thông điệp liên bang ngày 1-3, Tổng thống Putin cảnh cáo: Nếu bị tấn công hạt nhân, Nga cũng sẽ không do dự đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Ông Putin cho biết Nga có nhiều hệ thống vũ khí chiến lược tiên tiến, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa siêu thanh Sarmat thế hệ mới và một tên lửa hạt nhân hành trình chưa có tên. Tổng thống Putin nhấn mạnh cả hai hệ thống đều có tầm bắn đến mọi nơi trên thế giới, khó bị đánh chặn, Mỹ không đủ khả năng đối phó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu thông điệp liên bang ngày 1-3. Ảnh: TASS
Theo NATO, đây là một trong những tuyên bố hiếu chiến nhất trong nhiều năm nay của ông Putin, không có lợi cho căng thẳng vốn đã cao kể từ khi Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea từ Ukraine bốn năm trước.
“Tuyên bố của Nga đe dọa nhắm tới các đồng minh là không thể chấp nhận và có tác dụng ngược” - Reuters dẫn lời người phát ngôn NATO Oana Lungescu.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin nói Nga cảm thấy bất an về an ninh khi NATO lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa ở các nước biên giới Nga. NATO khẳng định các hệ thống phòng thủ tên lửa của mình ở các nước vùng Baltics, Tây Ban Nha, Ba Lan, Romania chỉ vì mục đích phòng thủ, nhằm đối phó tên lửa Iran.
“Như chúng tôi đã nhiều lần làm rõ, hệ thống phòng thủ tên lửa của liên minh không được thiết kế nhắm trực tiếp vào Nga. Hệ thống chúng tôi ngăn chặn các tên lửa đạn đạo bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương” - theo ông Lungescu, ý muốn nói đến Trung Đông và xa hơn.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo trong khuôn khổ một hội nghị bộ trưởng NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 15-2. Ảnh: REUTERS
“Chúng tôi không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh mới hay một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tất cả đồng minh đều ủng hộ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí vốn nhằm xây dựng niềm tin lẫn nhau, vì quyền lợi tất cả các bên” - ông Lungescu nói. NATO cho rằng Nga đang tiếp tục mở rộng quân đội từ biển Barents đến Địa Trung Hải.
Ông Lungescu khẳng định: “NATO theo đuổi cách tiếp cận song song với Nga: Ngăn chặn và phòng thủ mạnh, kết hợp với đối thoại thực chất. Chúng tôi cam kết sẽ theo đuổi cả hai hướng tiếp cận này”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) về tuyên bố hạt nhân cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GETTY IMAGES
Không chỉ NATO, ngày 2-3, hàng loạt lãnh đạo các nước thành viên từ Đức, Pháp, Mỹ đều bày tỏ lo ngại với tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Putin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel về vấn đề này, đồng ý vũ khí hạt nhân sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến “các nỗ lực kiểm soát vũ khí của quốc tế”.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump còn điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cùng chia sẻ quan ngại nghiêm trọng về tuyên bố của ông Putin.