Ngày 1-3 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu thông điệp liên bang trước Quốc hội Nga. Truyền thông phương Tây và đặc biệt truyền thông Mỹ đã có nhiều bài viết lên án lời lẽ của Tổng thống Putin trong bài phát biểu này, và Russia Today đã phản pháo mạnh.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin cảnh cáo nếu bị tấn công hạt nhân Nga cũng không do dự đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Ông Putin cho biết Nga có nhiều hệ thống vũ khí chiến lược tiên tiến mà Mỹ không đủ khả năng đối phó.
Truyền thông phương Tây công kích
Sau bài phát biểu của Tổng thống Putin, gần như hầu hết các hãng truyền thông lớn đều dùng đến các cụm từ “một cuộc chạy đua vũ trang mới” hay “một cuộc chiến tranh lạnh mới” trên tiêu đề các bài viết. Tờ Daily Beast (Mỹ) thậm chí còn cáo buộc Tổng thống Putin “nói khoác”.
Đài CNN (Mỹ) cho rằng lời ông Putin đã đưa ra “một thông điệp khủng khiếp đến tất cả mọi người”. Bản tin của đài truyền hình này viết: “Đó là sự phô trương cực độ, phô trương về quân sự trước mặt các nước khác, mà chủ ý lớn nhất là trước nước Mỹ - nước có tổng tư lệnh đang có sự tăng cường lớn cho chi tiêu quốc phòng và thu nhỏ sức mạnh ngoại giao”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu thông điệp liên bang trước Quốc hội Nga ngày 1-3. Ảnh: RUSSIA TODAY
Trong khi đó Bloomberg (Mỹ) viết rằng ông Putin “muốn vũ khí hiện đại, chứ không phải một nước Nga hiện đại”. Đài BBC (Anh) thì viết: “Ở đây có một thông điệp đôi. Thứ nhất là cho phương Tây: Đừng thúc ép chúng tôi. Và với bối cảnh cuộc bầu cử đang đến, thông điệp thứ hai cho người dân Nga: Bỏ phiếu cho ông Putin cũng là bỏ phiếu cho an ninh quốc gia”.
Lo ngại cuộc đua Nga - Mỹ
Nhiều chuyên gia phương Tây còn so sánh Tổng thống Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Hoan nghênh đến với các cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Ông Putin thông báo 4 vũ khí hạt nhân mới để trả lời 3 vũ khí hạt nhân mới mà Mỹ vừa thông báo tháng trước. Điều này sẽ còn chưa chấm dứt” – ông Joe Cirincione, Chủ tịch Quỹ Ploughshares chống phổ biến vũ khí hạt nhân, viết trên Twitter.
Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars S-24 của Nga có tầm bắn tới 12.000km. Ảnh: GLOBAL LOOK PRESS
Bà Jennifer Griffin, chuyên gia về an ninh của tờ Fox News (Mỹ) dẫn thông tin từ một số nguồn tin Bộ Quốc phòng Mỹ rằng lời ông Putin nói về kế hoạch tên lửa hành trình là còn “non trẻ” nhưng đáng tin, thừa nhận kế hoạch này của Nga là một phần phản ứng với các hành động của Mỹ. “Một số quan chức Mỹ nói với tôi rằng Nga “lo ngại” về các kế hoạch phát triển 2 vũ khí hạt nhân chiến thuật mới của Mỹ. Bài phát biểu của ông Putin trước thềm cuộc bầu cử vào tháng tới trả lời kế hoạch của chính phủ Trump mở rộng kho vũ khí hạt nhân” – bà Griffin viết trên Twitter.
Cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho rằng lúc này cần thiết phải có một hiệp ước kiểm soát hạt nhân mới nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang. “Thông báo của ông Putin ngày hôm nay về vũ khí hạt nhân mới nhắm vào chúng ta cần phải được xem là một lời thức tỉnh với ông Trump. Đã đến lúc phải chấm dứt giả vờ xem ông Putin là bạn và bắt đầu thương lượng kiểm soát vũ khí với Nga. Hiệp ước START mới (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược) cần được sửa đổi. Ngay lập tức” – ông McFaul viết trên Twitter.
Lời ông McFaul vô tình lặp lại lời Tổng thống Putin nói trong thông điệp liên bang, chỉ trích quyết định của Mỹ rời Hiệp ước Chống Vũ khí đạn đạo năm 2002, trước khi bắt đầu việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Thật ra là thông điệp ngoại giao?
Về phần mình, Russia Today cho rằng việc truyền thông phương Tây chỉ tập trung vào một đoạn ngắn trong bài phát biểu dài 2 tiếng đồng hồ, gói gọn thông điệp liên bang của Tổng thống Putin với vấn đề đe dọa hạt nhân là điều không có gì ngạc nhiên.
Theo Russia Today, Tổng thống Putin chỉ dành khoảng 4 phút để nói về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa siêu thanh Sarmat thế hệ mới và về một tên lửa hạt nhân hành trình chưa có tên. Tổng thống Putin nhấn mạnh cả hai hệ thống đều có tầm bắn đến mọi nơi trên thế giới và khó bị đánh chặn.
Tên lửa ICBM RS-28 Sarmat của Nga. Ảnh: EDGETIME.RU
Tổng thống Putin nhắc lại lời Nga đã nói từ năm 2004 là sẽ nâng cấp năng lực hạt nhân như một phương tiện đối phó việc NATO xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa gần các biên giới Nga. Kể từ đó, Mỹ lập các căn cứ phòng thủ tên lửa ở Romania và Ba Lan.
Trong thông điệp liên bang ngày 1-3, Tổng thống Putin phàn nàn “Khi đó không ai muốn đối thoại với chúng tôi, không ai lắng nghe chúng tôi. Giờ thì hãy lắng nghe chúng tôi”.
Theo Russia Today, truyền thông quốc tế chỉ chăm chăm chú ý vào từ ngữ Tổng thống Putin đã nói mà không quan tâm đến thông điệp ngoại giao kêu gọi đối thoại nghiêm túc và bình đẳng ẩn đằng sau.