Những ngày gần đây, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến hoạt động trao trả thi thể binh sĩ tử trận giữa Nga và Ukraine.
Phía Nga cho biết đã cố gắng chuyển giao 1.212 thi thể cho phía Ukraine vào ngày 7-6, nhưng đại diện Kiev không có mặt tại điểm trao đổi. Các quan chức Ukraine giải thích việc từ chối này là do hai bên chưa thống nhất ngày chuyển giao và cáo buộc Moscow lợi dụng các vấn đề nhân đạo cho mục đích tuyên truyền.
Việc bàn giao thi thể binh sĩ là nghĩa vụ theo những yêu cầu pháp lý rõ ràng trong luật nhân đạo quốc tế.
Từ Công ước Geneva năm 1949, các Nghị định thư bổ sung đến Luật tập quán nhân đạo quốc tế, hệ thống pháp lý quốc tế đã thiết lập các nguyên tắc và nghĩa vụ cụ thể đối với các bên tham chiến trong việc tìm kiếm, thu thập, bảo quản và trao trả thi thể binh sĩ tử trận.
Những quy định này không chỉ nhằm bảo vệ phẩm giá người đã khuất, mà còn bảo đảm quyền lợi chính đáng của thân nhân và góp phần duy trì trật tự pháp lý ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh.
Nghĩa vụ không thể từ bỏ
Từ những văn bản nền tảng như Công ước Geneva năm 1949 đến Nghị định thư bổ sung I và II, luật quốc tế buộc các bên trong mọi cuộc xung đột – dù quốc tế hay phi quốc tế – phải “thực hiện tất cả biện pháp khả thi và không chậm trễ” để tìm kiếm, thu thập và sơ tán thi thể những người tử trận, không phân biệt quốc tịch, tư cách chiến đấu hay bên tham chiến.
Hoạt động này thường được thực hiện song song với việc cứu hộ thương binh, đảm bảo rằng không một thi thể nào bị bỏ rơi hoặc bị xâm phạm giữa chiến địa.

Đi đôi với nghĩa vụ tìm kiếm là việc bảo vệ thi thể khỏi sự chiếm đoạt, hủy hoại hay lạm dụng. Các văn bản luật quốc tế đều cấm tuyệt đối việc cướp bóc, làm biến dạng hoặc đối xử thiếu tôn trọng với người đã khuất.
Luật nhân đạo quốc tế yêu cầu các bên phải đảm bảo việc chôn cất hoặc hỏa táng được tiến hành một cách trang nghiêm, phù hợp với tín ngưỡng và truyền thống văn hóa của người tử trận nếu có thể. Mộ phần phải được đánh dấu rõ ràng, được duy trì và tôn trọng, bảo đảm khả năng truy xuất và nhận diện trong tương lai.
Việc nhận dạng thi thể là một yêu cầu then chốt. Luật quốc tế quy định rằng trước khi chôn cất hay hỏa táng, các bên phải ghi lại toàn bộ thông tin có thể có về người tử trận. Các thông tin này bao gồm tên, ngày tháng năm sinh, đơn vị, thời điểm và địa điểm tử vong, hoàn cảnh tử vong, đặc điểm nhận dạng, tài sản cá nhân.
Hồ sơ này phải do các đơn vị chuyên trách lưu trữ, đồng thời thông báo cho quốc gia gốc hoặc thân nhân gần nhất của người tử trận khi có yêu cầu. Điều này tạo cơ sở pháp lý và nhân đạo để tiến hành trao trả hài cốt một cách trật tự, minh bạch và đầy đủ thông tin.
Thực tiễn quốc tế
“Báo cáo A/HRC/56/56 của Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hợp Quốc về hành vi hành quyết phi pháp, vội vã hoặc tùy tiện” đã nhấn mạnh rằng: nghĩa vụ tìm kiếm thi thể phải được thực hiện không chỉ trong giai đoạn chiến sự mà cả sau khi giao tranh chấm dứt.
Các bên cần làm mọi cách để hỗ trợ quá trình nhận dạng, trao trả thi thể và tài sản cá nhân cho bên còn lại hoặc cho thân nhân.
Đặc biệt trong xung đột quốc tế, luật nhân đạo đặt ra yêu cầu cao hơn: các bên phải chia sẻ giấy chứng tử, lập danh sách xác thực người đã chết, gửi lại di chúc, vật phẩm có giá trị tinh thần và bảo đảm hỗ trợ thực hiện các nguyện vọng cuối cùng của người đã khuất. Trường hợp tử vong trong nơi giam giữ còn đi kèm với nghĩa vụ điều tra độc lập và truy cứu trách nhiệm.

Thực tiễn quốc tế cũng cho thấy sự nhất quán trong áp dụng nguyên tắc này. Nhiều quốc gia, từ Pháp, Bỉ, Hungary đến Brazil, Cameroon hay Úc, đã đưa các quy định về trao trả thi thể vào sổ tay luật chiến tranh, quy trình quân sự và hệ thống pháp luật quốc gia, theo trang web của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (icrc.org).
Các văn bản này không chỉ khẳng định nghĩa vụ trao trả hài cốt và tro cốt theo yêu cầu của quốc gia gốc hoặc thân nhân gần nhất, mà còn cam kết duy trì và bảo vệ mộ phần cho đến khi việc bàn giao được hoàn tất.
Công ước Geneva và Nghị định thư I cũng quy định rằng các bên phải tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo (đặc biệt là Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế) tham gia tìm kiếm và trao trả thi thể binh sĩ tử trận. Trong một số trường hợp, sự tham gia của người dân địa phương cũng được luật quốc tế cho phép nhằm tăng hiệu quả tìm kiếm. Những cơ chế này vừa giúp đảm bảo khách quan, vừa tạo ra một quá trình phối hợp xuyên biên giới để việc trao trả diễn ra trọn vẹn và nhân đạo.
Trên thế giới đã có nhiều tiền lệ về việc trao trả thi thể binh sĩ giữa các bên đối đầu, thể hiện cam kết thực thi luật quốc tế, bất kể bối cảnh căng thẳng: Hàn Quốc trao trả Trung Quốc hài cốt binh sĩ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên; Triều Tiên trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ; Israel trao trả tử sĩ Hezbollah trong cuộc trao đổi năm 2008;...
Tóm lại, luật quốc tế đã xây dựng một nền tảng pháp lý đầy đủ và nhân văn nhằm bảo đảm rằng ngay cả trong chiến tranh, phẩm giá của binh sĩ tử trận vẫn phải được gìn giữ. Việc trao trả thi thể binh sĩ tử trận, tưởng chừng chỉ là một hành vi hậu sự, thực chất là sự thể hiện tinh thần nhân đạo, sự hòa giải trong xung đột và là bước đầu tiên cho hòa bình.