Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu Nga ngừng lập tức chiến dịch quân sự ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 16-3 đã chính thức đưa ra phán quyết về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cho biết họ "quan ngại sâu sắc" trước hành động của Moscow và yêu cầu nước này chấm dứt ngay lập tức chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Phán quyết của ICJ được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga vẫn đang tiếp tục bao vây và tấn công vào các thành phố lớn ở Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev, khiến hơn 3 triệu người phải sơ tán sang quốc gia khác, hãng AFP đưa tin.

Chính quyền Kiev ca ngợi phán quyết của ICJ là một "thắng lợi hoàn toàn" và khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện này "cho đến khi người dân Ukraine có thể trở lại cuộc sống bình thường".

Trước đó, vào ngày 26-2, Ukraine đã đệ đơn kiện Nga trước ICJ và yêu cầu cơ quan pháp lý của LHQ can thiệp, nói rằng Moscow đã cáo buộc sai sự thật về tội ác diệt chủng của nước này ở hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk để biện minh cho chiến dịch quân sự của mình.

Theo đó, chính quyền Kiev đã đòi toà ra quyết định về “biện pháp khẩn cấp tạm thời” để ngăn chặn cuộc giao tranh mà theo Ủy ban Nhân quyền LHQ đã khiến ít nhất 1.834 thường dân thương vong.

Một tòa nhà chung cư bị hư hại nặng sau các cuộc không kích của Nga ở thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP

ICJ quan ngại sâu sắc trước những hành động của Nga

"Nga sẽ ngay lập tức chấm dứt các hoạt động quân sự được bắt đầu vào ngày 24-2 trên lãnh thổ Ukraine" - trong khi chờ phán quyết cuối cùng về vụ việc, chủ tọa phiên tòa, Chủ tịch ICJ Joan Donoghue tuyên bố tại phiên điều trần, được tổ chức tại ở The Hague (Hà Lan). 

“ICJ quan ngại sâu sắc về việc Nga sử dụng vũ lực ở Ukraine, điều này làm nảy sinh những vấn đề rất nghiêm trọng trong luật pháp quốc tế” - thẩm phán Donoghue nhấn mạnh.

Ông Anton Korynevych, đại diện của Ukraine tại tòa án ở The Hague, sau đó đã lên tiếng ca ngợi quyết định của ICJ: “Đây là một chiến thắng hoàn toàn của công lý và là một chiến thắng hoàn toàn cho Ukraine”.

Trong khi đó, phía Nga không cử bất kỳ người nào đại diện để tham gia phiên điều trần. 

Bên ngoài khuôn viên tòa án, hàng chục người biểu tình đã tụ tập và mang theo những biểu ngữ kêu gọi chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine.

Người dân biểu tình kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine. Ảnh: AFP

ICJ: Không đủ chứng cứ cho rằng Ukraine có hành vi "diệt chủng" ở Donensk và Lugansk

Trước đó, Nga cũng đã không tham gia phiên điều trần hôm 7 và 8-3, lập luận trong một văn bản đệ trình lên tòa án rằng ICJ "không có quyền tài phán" vì yêu cầu của Kiev nằm ngoài phạm vi của Công ước về Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng năm 1948 của LHQ.

Chính quyền Moscow đồng thời biện minh cho việc sử dụng vũ lực ở Ukraine của mình là một "hành động tự vệ”, theo AFP.

Đáp lại, ICJ khẳng định họ có quyền tài phán trong vụ việc. Thẩm phán Donoghue còn chỉ ra rằng ICJ hiện "không sở hữu bằng chứng cho thấy Ukraine có hành vi diệt chủng ở Donensk và Luhansk theo lời cáo buộc của Nga".

Bà Donoghue nói thêm rằng mặc dù các quốc gia có quyền bảo vệ chống lại các cáo buộc diệt chủng, nhưng cần phải "được tiến hành theo tinh thần và mục đích của LHQ".

ICJ được thành lập sau Thế chiến thứ 2 để giúp giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên LHQ, chủ yếu dựa trên các hiệp ước và công ước của LHQ. Mặc dù các phán quyết của ICJ mang tính chất ràng buộc, song lại không thể đưa ra bất kỳ biện pháp chế tài nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm