Tòa án quyết định việc đưa đi trường, trại

Ngày 3-11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày trước QH về dự án Luật Giám định tư pháp (GĐTP) và Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, dự thảo Luật XLVPHC đã có thay đổi về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với bốn biện pháp liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân gồm: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.

Cụ thể, dự luật quy định TAND cấp huyện quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trên cơ sở đề nghị của UBND cấp xã đối với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đề nghị của UBND cấp huyện đối với biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục và cơ sở chữa bệnh. Cạnh đó, luật cũng tạo điều kiện để người bị xử phạt, luật sư, người đại diện hợp pháp của họ được tiếp cận hồ sơ, được tham gia và phát biểu ý kiến của mình trong quá trình xem xét, áp dụng các biện pháp này.

Tòa án quyết định việc đưa đi trường, trại ảnh 1

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật giám định tư pháp. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đang còn băn khoăn giữa việc quy chuyển thẩm quyền áp dụng sang tòa ngay hay lùi thời gian lại sau ba năm để chuẩn bị cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, đa số ý kiến của thành viên ủy ban tán thành việc nên giao ngay thẩm quyền cho tòa vì nó đảm bảo dân chủ, khách quan và phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Ủy ban Pháp luật cũng tán thành khi dự thảo luật không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh.

Khác với Pháp lệnh XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật XLVPHC không quy định thẩm quyền xử phạt theo một mức phạt tiền cố định đối với mỗi chức danh xử phạt mà quy định theo tỉ lệ phần trăm so với mức phạt tối đa, đồng thời có khống chế mức trần. Quy định này sẽ tạo sự linh hoạt trong việc quy định thẩm quyền xử phạt nhưng vẫn đảm bảo khống chế mức phạt tiền tối đa đối với từng chức danh có thẩm quyền xử phạt. Mức phạt tối thiểu cũng tăng từ 10.000 lên 50.000 đồng, mức tối đa tăng từ 500 triệu lên 2 tỉ đồng.

Cùng ngày, QH đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật GĐTP, Luật Quảng cáo và Luật Giá.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết điểm mới của dự thảo Luật GĐTP là đương sự trong các vụ án dân sự và hành chính có quyền được trực tiếp yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện việc GĐTP. Quy định này cũng được nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp của QH tán thành. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng không nên quy định điều này trong Luật GĐTP bởi quyền này chưa được ghi nhận trong BLTTDS và Luật Tố tụng hành chính. Nếu cần mở rộng thì nên đưa vào BLTTDS và Luật Tố tụng hành chính sửa đổi.

Thẩm tra dự án Luật Quảng cáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng so với Pháp lệnh Quảng cáo, dự thảo luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo và trách nhiệm pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo đối với sản phẩm quảng cáo…

Thẩm tra dự án luật Giá, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc ban hành Luật Giá là cần thiết. So với Pháp lệnh Giá hiện hành, dự thảo luật đã chi tiết hơn một số nội dung như: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá; điều tiết giá của Nhà nước, thẩm định giá. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn chưa làm rõ được bước tiến mới về chất thông qua việc nâng pháp lệnh lên thành luật…

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm