Chung cư nhà cao tầng liên tục cháy
Trưa 27-8, khói bất ngờ xuất hiện từ khu vực tầng ba trung tâm thương mại trên đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Phát hiện hỏa hoạn, lực lượng an ninh đưa hàng trăm người ở bên trong ra khỏi khu vực. Lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng nhanh chóng tiếp cận khống chế hỏa hoạn.
Chiều 24-6, cư dân chung cư trên đường Phạm Văn Chiêu hốt hoảng phát hiện khói lửa bùng phát từ khu vực một căn hộ ở tầng 6 chung cư này nên hô hoán, kêu cứu. Ngày 25-5, một vụ hoả hoạn đã xảy ra tại chung cư ở Hà Đông, Hà Nội. Hàng trăm cư dân hoảng loạn tháo chạy trong khi cảnh sát PCCC triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Vụ cháy chung cư Carina vào ngày 23-3 đến nay vẫn là nỗi ám ảnh không dứt đối với nhiều cư dân đang và sẽ sinh sống trong các tòa cao ốc với hàng trăm căn nhà san sát.
Khả năng cháy ở đâu cao hơn?
Những vụ cháy liên tục trên khiến người dân lo lắng, đặt câu hỏi liệu có phải tòa nhà, chung cư thì dễ xảy ra cháy nổ hơn nhà dân đơn lẻ không?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một lãnh phòng của Cảnh sát PC&CC TP.HCM cho biết so sánh như vậy rất khập khiễng. Không thể từ những vụ cháy đó mà kết luận rằng ở nhà chung cư, cao tầng thì dễ xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ hơn nhà dân đơn lẻ.
Vụ cháy chung cư Carina vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều cư dân
Ông cho biết, theo số liệu thống kê hằng năm, số vụ cháy xảy ra tại nhà dân, đặc biệt là hộ gia đình kết hợp kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều so với số vụ cháy tại chung cư, nhà cao tầng.
“Không phải hiện đại là giải quyết tất cả. Không phải chung cư cao cấp thì sẽ an toàn PCCC hơn chung cư trung bình. Không phải cứ mua nhà đắt tiền hơn thì ít xảy ra cháy nổ. Vấn đề ở đây là ý thức con người, kĩ thuật và cách vận hành quản lý”, vị lãnh đạo nói.
Một thực trạng đáng báo động hiện nay, dù nhà ở hộ gia đình hay hộ kinh doanh đều mắc phải là tâm lý chủ quan, xem nhẹ việc PCCC; bất cẩn, cẩu thả trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện. Đun nấu không người trông coi, thắp nhang đốt vàng mã không che chắn, lấn chiếm và làm mất tác dụng lối thoát nạn; không nghiên cứu giả định các tình huống cháy, nổ để có thể đề ra phương án thoát hiểm từ sớm.
Một cán bộ khác chia sẻ thêm: “Chung cư, nhà cao tầng hơn nhau là cách quản lý, trang thiết bị có làm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hay không. Quản lý vận hành tốt sẽ hạn chế rủi ro cháy nổ. Ý thức sử dụng, thực hiện an toàn PCCC rất quan trọng, thể hiện từ những thói quen rất nhỏ hằng ngày như tắt thiết bị khi không sử dụng để tránh tình trạng quá tải dẫn tới chạm chập, sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng, có khoảng cách nhất định, không để vật dụng bít lối thoát hiểm”.