Theo tôi, tòa án cấp phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc thay đổi quan hệ tranh chấp, vì quyền khởi kiện và nội dung tranh chấp là phải xác định trong phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đây là quyền tự định đoạt của đương sự, tòa án không có quyền làm thay đương sự.
Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết quan hệ tranh chấp là “đòi tài sản” chứ không thụ lý quan hệ “tranh chấp quyền sở hữu…”. Nếu chỉ giải quyết nội dung quan hệ tranh chấp “đòi nhà đất” thì không có căn cứ pháp luật để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì nguyên đơn không có các giấy tờ đất quy định tại các khoản 2, 3, 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Theo Điều 256 BLDS, chỉ có chủ sở hữu mới có quyền đòi tài sản… Trong trường hợp này, nếu nguyên đơn không bổ sung đơn kiện “tranh chấp quyền sở hữu” theo luật định thì tòa án có căn cứ xử bác yêu cầu “đòi nhà đất”. Và ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nếu bà mẹ của bị đơn không có yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn hoặc bị đơn về quan hệ “tranh chấp quyền sở hữu tài sản và đòi tài sản” thì tòa án cấp sơ thẩm khi tuyên xử buộc bà C. phải giao nhà cho người mẹ là vượt quá giới hạn xét xử, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự (vì không ai có yêu cầu khởi kiện hoặc kiện một đằng nhưng tòa xử một nẻo).
Khi xét xử phúc thẩm, lẽ ra HĐXX cần hủy án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như đã nêu trên. Nhưng ngược lại, theo báo nêu thì tòa phúc thẩm lại thay đổi yêu cầu khởi kiện bằng việc chỉnh lại quan hệ tranh chấp (thực tế là xử một quan hệ không có tranh chấp) nhưng về nội dung lại xử y như án sơ thẩm.
Xử như vậy phải chăng là “hợp thức hóa” cho những vi phạm về thủ tục tố tụng của cấp sơ thẩm? Tôi cho rằng tòa án hai cấp khi xét xử vụ kiện này đều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, do vậy vụ án cần phải được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa)