Tôi đồng tính, thì sao? - Bài 2: Giúp con tìm hạnh phúc

Hầu hết những người đồng tính cho hay họ không tự ý để cho người khác biết họ là người đồng tính. Phụ huynh chỉ biết khi tình cờ phát hiện nhật ký của con, biết con có người yêu cùng giới… Tuy vậy khi biết con mình là người đồng tính, không phải ai cũng hiểu và chấp nhận sự thật này.

Gạt nước mắt đỡ con đứng dậy

Đã hai năm ba tháng kể từ ngày nhà chị Loan “cưới” vợ cho con gái. Từ nhiều năm trước, qua nhiều lần nói bóng gió chuyện giới tính với con, chị Loan đã nghi ngờ con mình là người đồng tính. Sau nhiều lần hối thúc con lấy chồng, một ngày con chị dẫn bạn gái về ra mắt: “Con giới thiệu với bố mẹ, đây là L., người yêu của con”.

Dù đã đoán trước nhưng chị Loan vẫn lặng người. Sau một thời gian dài im lặng, con chị đã quỳ khóc trước mặt mẹ nói rằng mình không thể yêu người khác giới, không thể sống khác được và xin mẹ tha lỗi. “Tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. Hai mẹ con cùng khóc. Rồi tôi nghĩ phải biết gạt nước mắt mà đỡ con đứng lên thôi. Bản năng làm mẹ khiến tôi lao vào tìm kiếm, sưu tầm tất cả thông tin về giới tính và tôi biết rằng con mình cần phải được sống hạnh phúc với giới tính của nó. Tôi cũng thuyết phục chồng đồng ý cho hai đứa đến với nhau” - chị Loan kể. Đến giờ vẫn có người nói ra nói vào nhưng chị tin mình đã làm đúng.

Người đồng tính duy nhất cho chúng tôi công khai danh tính là anh Huỳnh Minh Thảo. Khi Thảo công khai chuyện giới tính thật với gia đình, không ai phản đối nhưng không khí trong nhà rất nặng nề. Để khẳng định mình không làm gì sai trái, Thảo lao vào công việc để học hỏi, nâng cao tay nghề. Qua nhiều vị trí quan trọng trong các tập đoàn viễn thông với mức lương đáng mơ ước, Thảo bắt đầu ý tưởng xây dựng hình ảnh thật của cộng đồng đồng tính sao cho không bị méo mó. Hiện nay, Thảo là giám đốc truyền thông của dịch vụ ICS. Dịch vụ này đang được Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) hỗ trợ công tác truyền thông về người đồng tính ở Việt Nam. Thảo quan niệm: “Mình không thể né tránh sự thật mãi được. Muốn giảm bớt sự kỳ thị, mình hãy sống thật tốt để người ta tập trung nhìn vào năng lực, nhân cách của mình chứ không phải xem mình quan hệ với ai”.

Tôi đồng tính, thì sao? - Bài 2: Giúp con tìm hạnh phúc ảnh 1

Huỳnh Minh Thảo (áo ca-rô), người đồng tính duy nhất chịu công khai trong một lần cộng đồng người đồng tính tổ chức tặng quà, vui chơi cùng các em ở nhà mở Tam Thôn Hiệp.

Sống vì hạnh phúc của con           

Những ngày này, nhóm Glink đang góp ý tưởng xây dựng một vở kịch kể về cuộc sống của chính họ, dự kiến sẽ được trình diễn công khai tháng 11 tới. Một buổi bàn ý tưởng vở kịch, khi một thành viên đặt câu hỏi: “Trong hơn 20 người ở đây, những ai đã come-out (lộ diện, khẳng định mình là người đồng tính)?”, chỉ có năm cánh tay giơ lên, trong đó có Trường. Trường đã được cha mẹ chấp nhận. Mới đầu khi nghe Trường thừa nhận mình là người đồng tính, mẹ đã khóc ngất, còn cha thì ngồi trầm ngâm. Sau một thời gian dài im lặng, mẹ Trường đã lên mạng tìm hiểu và hỏi thêm những người bạn là bác sĩ. Dần dần, qua các kênh thông tin đó, mẹ đã trò chuyện, tác động đến cha để hai vợ chồng cùng chăm sóc con. Nay cuộc sống của Trường đã thoải mái hơn nhiều.

Một trường hợp khác cũng gặp may mắn tương tự là S. (người quản lý trang web www.gioihan.net). “Sau một thời gian dài không nói chuyện với tôi, một hôm mẹ chợt bảo tôi đi mua đồ cùng mẹ. Đến quầy bán áo quần, mẹ hỏi mua một cái váy và một cái áo. Cảm động nhất là khi người bán hàng hỏi mẹ mua những thứ này cho ai, mẹ chỉ sang tôi và cười: “Đây, tôi mua cho con gái của tôi”. Câu nói của mẹ khiến tôi hạnh phúc vô cùng”. Theo S., cuộc sống của anh từ đó có nhiều niềm vui hơn trong công việc và các mối quan hệ.

Không chỉ Trường, S. mà những người đồng tính đều nói rằng cha mẹ là cánh cửa đầu tiên họ muốn bước qua. Vì khi được cha mẹ chấp nhận, họ như được tiếp thêm sức mạnh để sống thật với chính mình.

Tôi đồng tính, thì sao? - Bài 2: Giúp con tìm hạnh phúc ảnh 2

Họ đã sống có ích

Hiện nay, nhiều người đồng tính đang xây dựng hình ảnh thật của họ, đồng thời giúp cộng đồng người đồng tính sống tốt hơn. Để loại bớt những trang web, những thông tin lệch lạc, méo mó về người đồng tính, họ đang xây dựng các trang web riêng dành cho người đồng tính ở nhiều lứa tuổi và thân nhân của chính họ. Các trang web này cung cấp những bài viết mang tính khoa học về giới tính; giải đáp thắc mắc về giới tính; tập huấn, truyền thông cho người đồng tính và người thân.

Nhóm Glink (một nhóm tự lực dành cho những người đồng tính thuộc giới trí thức, văn phòng) đang có kế hoạch mở một quán cà phê truyền thông cho người đồng tính tại huyện Củ Chi (TP.HCM) và Khu công nghiệp Trảng Bàng (Tây Ninh).

Một số diễn đàn dành cho người đồng tính và thân nhân: www.hieuvecon.vnwww.taoxanh.net; www.ics.org.vn; www.lgbt.vnwww.newlife4u.vn.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm