Hướng về miền Trung

“Tôi lo căn nhà sập lúc nào không hay!”

Ông Vũ Quang Trung, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Thuận, xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, cho biết ở thôn có hai gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Từng người thân của họ đã lần lượt qua đời vì tai nạn, bệnh tật. Bản thân những người còn sống thì lớn tuổi, sống trong những căn nhà cấp 4 đã hư hỏng nặng sau những cơn bão vừa qua.
Đơn độc
Những ngày cuối tháng 11, ông Trung dẫn chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Quá (71 tuổi) ở thôn Mỹ Thuận. Bà Quá sống một mình trong căn nhà cấp 4 xây cách đây bảy năm, trên miếng đất nhỏ ông bà để lại. Năm 1986, khi bà Quá đang mang thai đứa con độc nhất, chồng bà không may qua đời vì bạo bệnh. 
Nén nỗi đau mất chồng, một thân bà Quá vượt cạn rồi sinh được cậu con trai, đặt tên là Trần Quý.
Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Năm 2018, anh Quý mượn xe máy chạy xe đi phụ bán hủ tiếu trên quốc lộ 1 gần nhà thì bị tai nạn tử vong, chiếc xe máy hỏng hoàn toàn.
Bà Quá kể chủ xe máy anh Quý mượn nói phải bồi thường 16 triệu đồng. Khi qua nhà, thấy gia cảnh khổ quá, người này chỉ lấy 8 triệu đồng. Sau đó, một thân bà Quá phải tự lo cho mình, chống chịu qua bao nhiêu mùa mưa bão. Nhưng đến cơn bão số 9 vừa rồi là thiệt hại lớn nhất đối với bà.
“Bão đến, gió thổi bay hết chú ơi, mái tôn, vách nhà gì cũng tơi bời. Tôi phải qua nhà hàng xóm trốn chứ đâu dám ở nhà” - bà Quá kể.
Là hộ nghèo, mỗi tháng bà Quá nhận trợ cấp được 540.000 đồng. Vừa rồi đoàn cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên về cho bà được 5 triệu đồng, bà vay mượn thêm để đủ tiền lợp lại mái nhà để không bị dột khi có mưa.
“Giờ đây tôi chỉ mong có đủ tiền trả nợ đã vay sửa nhà, mua lại bộ lư hương thờ cúng con trai” - bà Quá nói.

Trong căn nhà cũ nát, ông Tám (áo trắng) và người anh dựa vào nhau lúc cuối đời.
Ảnh: TẤN VIỆT

Cơ cực tuổi già
Ông Trần Văn Tám, 70 tuổi, thôn Mỹ Thuận có bệnh về thần kinh nên tinh thần không còn minh mẫn, ông ở với người chị ruột từ thời còn trẻ. Hai chị em dựa vào nhau mà sống đến giờ, không ai lập gia đình.
Năm 2005, Quỹ Vì người nghèo tỉnh Quảng Ngãi xây cho hai chị em ông Tám căn nhà tình nghĩa. Dù đã một lần sửa sang lại nhưng căn nhà hiện nay của ông Tám cũng hư hỏng, dột nát tứ bề do cơn bão vừa qua.
Tháng 4 năm nay, chị ông Tám qua đời ở tuổi 75 vì bệnh tật. Thấy em trai không còn nơi nương tựa, anh ông là ông Nghệ mới kêu qua ở chung vì ông cũng một thân một mình. Hằng ngày, con gái ông Nghệ ở gần đó qua cơm nước cho hai ông.
Hai thân già buồn, thường dắt nhau đi quanh xóm bắt chuyện hết người này đến người khác, ai thấy cũng thương. Lâu lâu ông Nghệ cũng dắt ông Tám về nhà để thắp nhang cho người chị.
Theo ông Vũ Quang Trung, ông Tám mỗi tháng được nhận 540.000 đồng tiền trợ cấp hộ nghèo. Phần ông Nghệ nhận tiền người cao tuổi được 270.000 đồng/tháng. “Mặt trận, đoàn thể cũng tìm nhiều cách, nhiều nguồn hỗ trợ ông Tám. Ông Tám ở nhà một mình, mỗi khi mưa to gió lớn, tôi lo căn nhà này sập lúc nào không hay” - ông Trung lo lắng.

Trao 90 triệu đồng cho người dân huyện Núi Thành sửa nhà

“Tôi lo căn nhà sập lúc nào không hay!” ảnh 2
Ngày 3-12, báo Pháp Luật TP.HCM đã trao 90 triệu đồng của bạn đọc hảo tâm, mạnh thường quân cho chín hộ dân huyện Núi Thành, Quảng Nam để sửa lại nhà sau bão. Ảnh: TẤN VIỆT

Ngày 3-12, đoàn cứu trợ của báo Pháp Luật TP.HCM đã đến huyện Núi Thành (Quảng Nam) tiếp tục chương trình hỗ trợ cho người dân dựng lại nhà cửa sau bão lũ.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Núi Thành, cho hay bão số 9 vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho huyện. Toàn huyện có tám nhà sập, hơn 3.500 nhà tốc mái, trong đó khoảng 200 nhà tốc mái hoàn toàn. “Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, bà con rất cần sự chung tay góp sức xây dựng lại nhà cửa từ các mạnh thường quân” - ông Ánh cho biết.

Trong ngày, đoàn cứu trợ đã trao số tiền do bạn đọc hảo tâm, mạnh thường quân của báo hỗ trợ cho chín hộ dân đặc biệt khó khăn, mỗi hộ 10 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thơm (72 tuổi, ngụ xã Tam Tiến) xúc động khi nhận tiền hỗ trợ. “Mừng quá, có tiền lợp nhà vệ sinh, tráng lại cái nền xi măng rồi” - bà Thơm nói.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (31 tuổi, ngụ xã Tam Anh Bắc) cho hay nhận tiền hỗ trợ chị sẽ sửa lại mái ngói, dành dụm thêm để chữa bệnh tim bẩm sinh cho con.

Hoàn cảnh của chị Nguyệt, bà Thơm…, chúng tôi đã đề cập trong bài “Có tiền để sửa nhà đón tết rồi!” đăng ngày 3-12 trên Pháp Luật TP.HCM.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm