Tội phạm nghiêm trọng gia tăng

Mở đầu phiên họp ngày 28-10, Quốc hội (QH) đã nghe Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, thay mặt Chính phủ (CP) báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013.

Báo động tội phạm giết người thân

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đối với nhóm tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tính chất của tội phạm nghiêm trọng hơn, nhất là hoạt động của băng, nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, xiết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, TP lớn và các khu vực, địa bàn giáp ranh ở một số địa phương...

Số đối tượng trong các băng, nhóm tội phạm hầu hết có tiền án, tiền sự, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng”, vật liệu nổ gây án hoặc núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp để hoạt động tội phạm. Cơ quan điều tra cũng đã phát hiện một số đối tượng cầm đầu băng, nhóm tội phạm làm hồ sơ giả bị bệnh tâm thần để tránh bị xử lý hình sự.

Cũng theo báo cáo của CP, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra trên 1.100 vụ, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn bột phát, nhất thời trong gia đình, trong quan hệ xã hội, hầu hết số đối tượng gây án phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự. “Tình trạng giết người thân trong gia đình xảy ra nhiều cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội đáng báo động” - Đại tướng Trần Đại Quang nói.

Tội phạm nghiêm trọng gia tăng ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) trao đổi với Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình bên hành lang QH ngày 28-10. Ảnh: THÀNH VĂN

Có nơi không phát hiện tham nhũng

Liên quan đến nhóm tội phạm về tham nhũng, theo báo cáo của CP, cơ quan điều tra đã phát hiện, khởi tố 315 vụ với 661 bị can. Trong đó, tội phạm tham ô, môi giới hối lộ và nhận hối lộ được phát hiện chủ yếu trong lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó đáng lưu ý là vụ án Nguyễn Thế Ngọc (Công ty Vận tải Dầu khí Việt Nam) tham ô tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 1.800 tỉ đồng...

Thẩm tra báo cáo của CP, Ủy ban Tư pháp cho rằng dù số vụ phát hiện và xử lý tăng so với năm 2012 nhưng vẫn “chưa tương xứng với tình hình tham nhũng trên thực tế”. “Tại nhiều địa phương không phát hiện được vụ án tham nhũng nào; có những trường hợp khi bị khởi tố điều tra thì được xác định thuộc loại tội phạm về tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng khi kết thúc điều tra chỉ đề nghị truy tố về tội ít nghiêm trọng hoặc tội danh khác nhẹ hơn không phải tội phạm tham nhũng. Tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng còn chậm, có một số vụ kéo dài qua nhiều năm” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.

Lý giải cho những hạn chế nêu trên, người đứng đầu ngành công an cho rằng đối tượng phạm tội tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi che giấu hành vi phạm tội, trong khi các vụ án tham nhũng thường phát hiện sau khi tội phạm đã xảy ra nhiều năm. Cạnh đó, việc giám định tài liệu kế toán, kiểm toán, giám định các lĩnh vực chuyên ngành xây dựng, tài chính... thường bị kéo dài, kinh phí chi trả lớn; trình độ chuyên môn của một số giám định viên chưa đáp ứng được yêu cầu, phải giám định lại nhiều lần, mất nhiều thời gian...

Thủ đoạn mới: Bỏ tiền vào thùng rác

Báo cáo của CP cũng nhận định tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. “Hầu hết các vụ án xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng đều có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của cán bộ ngân hàng với thủ đoạn lợi dụng sự buông lỏng quản lý, giám sát của ngân hàng để thông đồng, cấu kết lập khống hợp đồng, hồ sơ tín dụng để rút tiền từ ngân hàng, gây thiệt hại lớn về tài sản” - báo cáo nhấn mạnh.

Có thể liệt kê hàng loạt vụ án đáng chú ý xảy ra thời gian qua như vụ vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại gần 4.000 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 26 bị can, trong đó hai người nguyên là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam.

Đáng chú ý là vụ án Hồ Thị Thu Hương, thủ kho Ngân hàng Đầu tư Phát triển Chi nhánh Phú Tài, dùng thủ đoạn để tiền vào thùng rác đưa ra ngoài, thông đồng với đối tượng bên ngoài lập khống chứng từ nộp tiền vào tài khoản để đồng bọn vào ngân hàng rút tiền chiếm đoạt 9,1 tỉ đồng...

Chống bỏ lọt tội phạm       

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày, qua tăng cường kiểm sát, ngành đã kịp thời phát hiện 3.264 tố giác, tin báo về tội phạm chưa được thụ lý, giải quyết đúng quy định. Từ đó, ngành đã yêu cầu CQĐT khởi tố 423 vụ án (tăng 20,8% so với năm 2012). VKSND các cấp cũng đã ban hành trên 65.500 văn bản yêu cầu điều tra xác minh, thu thập chứng cứ củng cố hồ sơ, trên cơ sở đó đã yêu cầu khởi tố thêm 470 bị can, yêu cầu thay đổi 91 quyết định khởi tố vụ án, 51 quyết định khởi tố bị can. Chất lượng điều tra, công tố cũng tăng cao, cụ thể số bị can phải đình chỉ do hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được tội phạm đã giảm mạnh đến 63%, đồng thời VKS cũng yêu cầu phục hồi điều tra những vụ án “chìm xuồng” lưu niên tăng 18,5%; tỉ lệ truy tố đúng tội danh, trong thời hạn luật định đạt trên 99%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thì số bị can đình chỉ điều tra do miễn trách nhiệm hình sự giảm được 2,46%, số đối tượng trốn khỏi nhà tạm giam, tạm giữ giảm hơn 54%; công tác bắt, vận động đối tượng bị truy nã đầu thú đã kéo giảm tội phạm trôi nổi khá nhiều.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng cảnh báo loại tội phạm kiểu băng nhóm xã hội đen, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi có nguy cơ gia tăng. Thậm chí nhiều trường hợp cho vay và được “ngụy trang” bằng việc ký hợp đồng mua bán nhà, rồi chiếm đoạt tài sản nhưng vì nhiều lý do mà các cơ quan tố tụng có xu hướng dân sự hóa.

Theo nghị trình, chiều nay 29-10, các đại biểu QH sẽ thảo luận tại tổ về báo cáo này.

Thu hồi 100% tài sản tham nhũng: Chuyện không tưởng

Trong số 10 vụ án lớn thì có sáu vụ đã có kết luận điều tra, đã hoàn tất cáo trạng và tống đạt cáo trạng. Trong đó, ở Hà Nội sẽ xét xử ba vụ gồm Dương Chí Dũng - Vinalines, vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn và vụ Ngân hàng ACB - Nguyễn Đức Kiên. Còn trong TP.HCM sẽ xét xử ba vụ: vụ Huỳnh Thị Huyền Như của Ngân hàng Công thương, vụ Vifon và vụ Công ty Cho thuê Tài chính 2. Những vụ này đã hoàn tất cáo trạng, thời gian cụ thể tòa án sẽ quyết định nhưng chắc chắn phiên tòa sẽ được mở trong quý IV năm nay. Những vụ còn lại khả năng phải sang 2014.

Đối với việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước cũng vậy khả năng thu hồi tài sản không bao giờ thu được 100%. Tuy nhiên, trong tương lai theo tôi cũng cần phải sửa đổi BLTTHS để tăng thêm khả năng truy thu tài sản. Bởi chúng ta đang có một hạn chế là những tài sản được chứng minh hình thành một cách bất hợp pháp từ con đường phạm tội thì mới được thu. Tôi nghĩ là sắp tới chúng ta phải khắc phục việc này.

Viện trưởng VKSND Tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH

Quyết liệt chống bảo kê tội phạm

Vấn đề tội phạm trong nước, nhất là khi Việt Nam gia nhập kinh tế thị trường, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, nhất là các băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, tội phạm ma túy, tội phạm ở độ tuổi vị thành niên, chống người thi hành công vụ.

Quan điểm của CP là phải xử lý nghiêm, kiên quyết, liên tục, chống bảo kê, bao che tội phạm ở mọi cấp, mọi ngành. Nơi nào tội phạm hoành hành thì ở đó cấp ủy, chính quyền địa phương, trước hết là ngành công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và chính quyền. Cụ thể như thời gian qua đã xử lý một lãnh đạo Công an huyện Chợ Mới, An Giang; rồi nhiều trưởng công an đã bị phê bình khi để xảy ra tội phạm như ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Giao Thủy (Nam Định), Bình Thạnh (TP.HCM)…

Thứ hai, nếu có tội phạm phải truy bắt đến cùng để đảm bảo bình yên cho nhân dân. Trên tinh thần đó, chúng ta đã nhân rộng nhiều mô hình tốt, mở các đợt tấn công tội phạm ở nhiều góc độ khác nhau, để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, xây dựng xã hội an toàn cho người dân là việc quan trọng.

Phó Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Tỉ lệ bồi thường oan chỉ đạt 21%

Năm 2013, VKSND các cấp đã thụ lý 37 đơn yêu cầu bồi thường cho người bị oan, đã thương lượng và bồi thường 1,4 tỉ đồng cho tám trường hợp. Nhìn chung, tỉ lệ giải quyết còn thấp, đạt 21,6%. Có những đơn khiếu nại gay gắt nhưng chậm giải quyết; có trường hợp để kéo dài, tồn đọng. Điển hình, vụ ông Phan Văn Lá ở Long An làm bị can đã 21 năm, đi kêu oan nhiều năm mãi đến tháng 9-2013 mới được xem xét, giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH NGUYỄN VĂN HIỆN

Kết quả THA dân sự không đạt chỉ tiêu

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, có gần 10.000 việc tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành nên kết quả thi hành án dân sự (THADS) không đạt nhiệm vụ đề ra. Tính đến hết tháng 9-2012, ngành đã giải quyết xong 492.975 việc (đạt 86,53%), thi hành xong 28.965 tỉ đồng (đạt 73,17%); miễn, giảm THADS khoảng 6.000 việc với tổng giá trị hơn 32 tỉ đồng.

Các cơ quan THADS địa phương cũng đã thụ lý 17 vụ việc yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 16 vụ việc, bồi thường hơn 6,8 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG

Có đến 6.371 bị án còn ngoài xã hội

Tính đến ngày 30-9-2013 có 144.212 người bị kết án tù; có 128.712 phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, 9.129 đang giam giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ, chờ hoàn tất thủ tục đưa đi thi hành án, có đến 6.371 bị án còn ngoài xã hội.

Điều đáng lưu ý là có 1.249 trường hợp công an chậm xác minh, hoàn tất thủ tục đưa đi chấp hành án; 114 bị án hết thời hạn tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án và 348 bị án đang tại ngoại mà TAND chưa chuyển công an quyết định thi hành án. Có 52.159 phạm nhân cải tạo tốt được giảm chấp hành hình phạt tù nhưng còn có 153 phạm nhân phạm tội mới trong thời gian chấp hành án phạt tù.

Chánh án TAND Tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH

ĐỨC MINH - BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm