Chiều 17-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Thành ủy TP.HCM về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI; việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có nhiều đánh giá về tình hình kinh tế- xã hội của địa phương. Ngoài những định hướng, gợi mở về mục tiêu phát triển kinh tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng dành thời gian chia sẻ thêm về lĩnh vực giáo dục, y tế.
"Các cháu đến tuổi đều phải được đến trường"
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Thành ủy TP.HCM biến quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ TP về việc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo như tinh thần Nghị quyết 31 đã đề ra trở thành những việc làm, những thành quả cụ thể trong thực tiễn.
Đặc biệt, TP.HCM phải tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh khoa học công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, công nghệ số, xã hội số làm nền tảng để thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.
Ở thời điểm chuẩn bị cho năm học mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đi sâu vào lĩnh vực giáo dục và nêu tình trạng chung cả nước đang thiếu khoảng 150.000 giáo viên.
“TP.HCM có thiếu không? Nếu thiếu thầy thì không thể nói gì đến học tốt, dạy tốt được”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu vấn đề.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ GD-ĐT có báo cáo nhiều cô giáo, thầy giáo bây giờ không có việc làm, phải đi làm những việc khác rất khổ trong khi học sinh lại không có thầy. Ông cũng quan tâm TP.HCM có đủ trường, đủ lớp không?
“Các cháu đến tuổi đều phải được đến trường”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho rằng trách nhiệm này thuộc về Nhà nước, phải giải quyết được những việc vô lý này.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng dành sự quan tâm đối với sinh viên đại học.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, có những sinh viên nghèo, không đủ tiền đi học là "rất đau xót" và cho rằng, việc này cần được cân nhắc và tính toán kỹ. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần xem lại các các cơ chế cho sinh viên vay để đi học.
"Cần đánh giá hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, cho sinh viên vay mấy năm đi học để các cháu yên tâm học hành. Nếu các cháu học đại học xong ra có công ăn việc làm rồi trả nợ dần, tôi tin rất là hay”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Phân tích sâu, ông cho rằng, nếu để tình trạng học sinh không được đến trường sẽ sinh ra nhiều hệ lụy khác, phải tốn nhiều tiền hơn để giải quyết những việc khác của xã hội đặt ra; trong khi TP cũng đang rất cần nguồn nhân lực.
Phấn đấu mỗi người dân được khám sức khỏe mỗi năm 1 lần
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đặc biệt quan tâm vấn đề y tế và cho rằng phải có biện pháp cụ thể để tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của bệnh viện quận, huyện; coi trọng phát triển y tế dự phòng, giải quyết căn bản tình trạng quá tải bệnh viện.
Đặc biệt phải có chính sách chăm lo mọi mặt để đội ngũ y tế, cán bộ y tế, bác sĩ, điều dưỡng yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến.
Ông gợi mở: Liệu TP.HCM có thể đảm bảo mỗi người dân TP có thể được khám sức khỏe ở các cơ sở y tế mỗi năm một lần hay không.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kể thêm, khi làm sổ y tế điện tử theo đề án 06 mới biết rằng có nhiều người chưa bao giờ được khám bệnh. "Có cụ sống tới 60-70 tuổi chưa bao giờ được đo huyết áp, chưa bao giờ được thử máu, khám tai, khám răng, khám mắt… Ngay thành phố thôi, không phải vùng sâu, vùng xa bởi ốm đau không chịu được nữa mới đến bệnh viện. Bây giờ làm sao để chính quyền đánh giá được tình hình sức khỏe của nhân dân. Phải tập trung vào bệnh viện, làm sao mỗi người dân ít nhất một năm phải được khám sức khỏe một lần"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh...