3 điểm mới của Nghị quyết 31 làm thay đổi định hướng TP.HCM

(PLO)- Trong ba điểm mới thì tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM” có ý nghĩa rất quan trọng, tức tập trung nguồn lực hợp lý nhằm xây dựng đầu tàu kinh tế của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghị quyết 31 vừa được Bộ Chính trị ban hành đặt ra cho TP.HCM nhiều mục tiêu, nhiệm vụ phát triển. Trong đó, đến năm 2030, thu nhập bình quân (GRDP) đầu người khoảng 14.500 USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,5%/năm, kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Và đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á…

Với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”, Nghị quyết 31 đặt ra nhiệm vụ mới cho TP là điều chỉnh không gian đô thị thành TP đa trung tâm. Liên kết vùng Nam Bộ bằng đường sắt vận tải nặng, tốc độ cao; cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội cũng như ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao.

Nghị quyết đã chỉ rõ một số biện pháp mới, cụ thể, khả thi cho TP.HCM như Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông; giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách TP theo mức hiện nay đến năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn… Tiếp tục lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi nội thành, sử dụng quỹ đất sau di dời để ưu tiên xây dựng công trình phúc lợi công cộng.

Ông PHẠM CHÁNH TRỰC - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: ĐÀO HÀ

Ông PHẠM CHÁNH TRỰC - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: ĐÀO HÀ

Bên cạnh đó, Nghị quyết 31 cũng tạo điều kiện để TP mạnh dạn thí điểm chính sách mang tính đột phá, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước. Đặc biệt, Nghị quyết 31 cũng yêu cầu Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu ban hành các chính sách pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo của TP.HCM trong giai đoạn mới.

Theo đó, có ba điểm mới trong nghị quyết này sẽ làm thay đổi định hướng TP.

Thứ nhất, xác định phát triển đô thị TP.HCM theo hướng đa trung tâm. Với dân số hơn 10 triệu người, TP cần tổ chức không gian sống và hoạt động hợp lý, có môi trường tốt và phương tiện phục vụ đời sống đô thị thuận tiện (cả vật chất và văn hóa tinh thần). Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động sản xuất, kinh doanh, quan hệ trong nước và quốc tế thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả.

Thứ hai, liên kết vùng bằng dự án trọng điểm quốc gia đường sắt TP.HCM - Cần Thơ… Cụ thể, Nghị quyết 31 yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Như vậy, TP.HCM cùng các tỉnh Nam Bộ đã có điều kiện tối cần thiết để mở ra mũi đột phá đặc biệt uy lực và sáng tạo là “tuyến đường sắt tốc độ cao”, nhằm vận tải hành khách và hàng hóa liên vùng khối lượng lớn, an toàn, tiện lợi, đúng giờ, cước phí thấp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL, tạo điều kiện thuận lợi để phân bổ lại lực lượng sản xuất toàn vùng bằng mô hình chủ động đô thị hóa TOD (transit - oriented development), giảm áp lực di dân cơ học lên TP.HCM, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Thứ ba, “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM” là điểm mới có ý nghĩa rất lớn. Trước đây, tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cùng cả nước” đã nói lên vai trò, nhiệm vụ của TP gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của đất nước; TP có điều kiện lịch sử và thực tiễn nên phải vươn lên đảm đương trách nhiệm vẻ vang đó.

Với phương châm “Cả nước vì TP.HCM” được Bộ Chính trị nêu rõ tại Nghị quyết 31 - tức tập trung nguồn lực hợp lý, đúng mức nhằm xây dựng đầu tàu kinh tế của cả nước đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ cả nước giao phó.

Để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết 31 đề ra là “tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá…”, TP.HCM cần hoàn thiện cơ chế chính quyền đô thị.

Kế đó, TP cần tổ chức lực lượng lao động vào sản xuất trong các tổ chức kinh tế thích hợp, hạn chế làm ăn manh mún, riêng lẻ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách đồng bộ, cân bằng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần, bảo vệ giá trị đạo đức và truyền thống dân tộc.

TP.HCM cần có chính sách đãi ngộ trí thức (cả trong nước và nước ngoài) để huy động đội ngũ trí thức khoa học công nghệ và khoa học xã hội tham gia các công trình, đề tài khoa học, dự án kinh tế - xã hội. TP.HCM cần được Chính phủ cho phép huy động vốn trong và ngoài nước bằng nhiều phương thức phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế… Tuy nhiên, nhiệm vụ trước tiên là TP cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm