Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo tận hiến đời mình cho Đất nước, Nhân dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhà lãnh đạo tận hiến đời mình cho Đất nước, Nhân dân

(PLO) Một cuộc sống cá nhân giản dị, liêm chính nhất quán với quan điểm xây dựng Đảng, một quá trình công tác với nhiều trải nghiệm phong phú và một ý chí chính trị mạnh mẽ định hình thủ lĩnh chính trị - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân vật chính trị thu hút sự quan sát, phân tích, bình luận của giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước” - GS.TSKH Phan Xuân Sơn, chuyên gia chính trị học Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trao đổi với PLO trong cuộc phỏng vấn hôm nay.

Bối cảnh lịch sử và phẩm chất cá nhân

. Nhìn toàn diện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo ông, những yếu tố quan trọng nào đã góp phần làm nên tầm vóc của một nhà lãnh đạo chính trị như vậy?

+ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hẳn là một thủ lĩnh chính trị, một hiện tượng của nền chính trị đương đại Việt Nam. Quá trình quan sát, nghiên cứu, tôi thấy một số điểm quan trọng về điều kiện lịch sử và phẩm chất cá nhân.

Thứ nhất, bối cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội, đây là yếu tố chi phối suy nghĩ, hành động.

h25.jpg
Chiều 13/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra trong thời đại đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam, rồi trưởng thành ở giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới. Giai đoạn đó, thời đại đó chi phối, quy định nên con người của các vị lãnh đạo chính trị của cả một thế hệ, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những năm trước và sau Đại hội VI, 1986, ông là cán bộ của Tạp chí Cộng sản – cơ quan nghiên cứu lý luận hàng đầu của Đảng ngay. Những năm đó, ở độ tuổi ngoài 40 sung sức, chín chắn, với bối cảnh đất nước lúc đó, với mẫu người sống cống hiến, ông trải qua giai đoạn sôi động của công tác lý luận.

Đó là giai đoạn chứng kiến những áp lực, đòi hỏi cả trong và ngoài nước về cải cách. Cũng là giai đoạn mà hệ thống các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, CNXH thế giới lâm vào thoái trào.

Nhưng đó cũng là lúc mà những người cộng sản Việt Nam thể hiện bản lĩnh cách mạng, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Với tinh thần cách mạng, năng lực sáng tạo, Đảng ta vẫn giữ vững ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiếp tục công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và năm 1991 cho ra đời Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Thứ hai, các phẩm chất cá nhân đáp ứng được yêu cầu của Đảng, của đất nước.

Sự nghiệp đổi mới, cải cách CNXH trên thế giới hay ở Việt Nam đều đòi hỏi Đảng phải hiểu rõ thực tiễn, năng lực sáng tạo lý luận qua tổng kết thực tiễn thế giới và trong nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đào tạo bài bản, trưởng thành trong hoạt động nghiên cứu, lý luận trong đó đặc biệt là lý luận về xây dựng Đảng, lại luôn luôn đứng ở tuyến đầu công cuộc đổi mới trong thực tiến.

Thực tiễn, trải nghiệm chính trị phong phú, kết hợp với cuộc sống cá nhân và gia đình, ông luôn giữ nguyên tắc giản dị, liêm chính, và đó cũng là nguyên tắc của ông trong công việc, là quan điểm của ông về xây dựng Đảng.

Vậy nên không quá bất ngờ khi ông tạo được sức hút, để rồi xác lập ưu tiên của Đảng giai đoạn này là xây dựng, chỉnh đốn. Còn nếu bất ngờ, có lẽ là mức độ và kết quả của công cuộc này…

Chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn

. Với hơn 20 năm làm công tác lý luận luận (từ năm 1986, ông là cán bộ của Tạp chí Cộng sản – cơ quan nghiên cứu lý luận hàng đầu của Đảng), rồi làm Chủ tịch Quốc hội từ năm 2006 đến 2011, quá trình đó có ý nghĩa thế nào đến tư tưởng của vị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau này?

+ Ngần đấy năm làm công tác lý luận và Bí thư Thành ủy Hà Nội, tiếp theo là một nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội, ông chứng kiến thành tựu Đổi mới lớn lao nhưng cũng cảm nhận được nhiều yêu cầu mới về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

h9.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo (Hà Nội, 16/8/2023). Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Trong những năm ấy, nền kinh tế chúng ta tăng trưởng cao liên tục. Nhưng công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, hoàn thiện hệ thống chính trị, phát triển văn hóa, hoạt động đối ngoại, an ninh quốc phòng, còn mặt nào đó, chưa tương xứng với phát triển kinh tế, đặt ra nhiều thách thức, cần giải quyết về lý luận và thực tiễn.

Những câu nói trong dư luận nhân dân như “sờ vào đâu cũng thấy nổi cộm”, “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”, “tiến vị bộ thoái vi ban”… cũng phần nào nói lên những bất cập đang tồn tại trong đời sống chính trị của nước ta.

Việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ, nhân sự các cấp, cũng chưa có những chuẩn mực rõ ràng, từ đó sinh ra nạn chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, bộ máy phình to ra, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ít nhiều bị xói mòn…

Nhận thức rất rõ những mặt hạn chế, yếu kém của giai đoạn đấy, trải qua các cương vị lãnh đạo khác nhau, chắc hẳn ông đã trăn trở tìm kiếm những căn cứ lý luận, thực tiễn để giải quyết vấn đề. Để rồi khi được Đảng giao phó trọng trách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngay lập tức xác lập ưu tiên với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đánh giá “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Các Nghị quyết TƯ 4 khóa XII, XIII cho thấy sự nhất quán cũng như ưu tiên cao độ của Tổng Bí thư với nhiệm vụ khó khăn, hệ trọng này.

Yêu cầu từ công tác lý luận

. Tôi nhớ là có kỳ Đại hội, Đảng ta đã thừa nhận công tác lý luận còn nhiều hạn chế. Và kể từ khi nắm giữ trọng trách là người đứng đầu Đảng Cộng sản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp quan trọng nào để hoàn thiện và phát triển hệ thống lý luận của Đảng ta?

+ Từ Đại hội VI, chúng ta có chuyển biến rất mạnh về công tác lý luận. Tuy nhiên quá trình đổi mới ở nước ta là quá trình phát triển tiệm tiến. Có chuẩn bị, có kế thừa, không chấp nhận liệu pháp “sốc”.

h27.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm, sáng 8-10-2018. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Chức vụ Tổng Bí thư các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới, kể cả Đảng ta thì thường mặc định phải là người có trình độ về mặt lý luận. Đấy là truyền thống, dù không phải lúc nào cũng được như vậy.

Tích lũy quá trình công tác và nhất là những năm ở vị trí đứng đầu Đảng, đến nhiệm kỳ thứ ba này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung sức lực, khái quát một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; về xây dựng và chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về nền đối ngoại, ngoai giao “cây tre Việt Nam”; về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; đại đoàn kết toàn dân tộc...

Giới nghiên cứu lí luận chúng tôi thực sự đánh giá rất cao những đóng góp của ông trong phát triển đường lối lý luận của Đảng ta.

. Vấn đề hoàn thiện và phát triển hệ thống lý luận của Đảng đóng vai trò thế nào đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thưa ông?

+ Đảng lãnh đạo là nguyên tắc, là đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, được quy định rõ trong Hiến pháp cũng như mô tả trong Nghị quyết 27 cũng như các nghị quyết trước đây có liên quan đến xây dựng, hoàn thiện chế độ pháp quyền XHCN.

Ngoài ra, có lẽ vì ưu tiên cao nhất của giai đoạn này là xây dựng, chỉnh đốn Đảng nên chúng ta đẩy mạnh công tác cụ thể hóa, thể chế hóa, quy phạm hóa hệ thống quy định, quy phạm của Đảng.

Thời gian qua, gần như tất cả các nguyên tắc cơ bản nhất của Đảng, của sinh hoạt Đảng đã được quy định cụ thể, toàn diện, nhiều vấn đề được “lượng hóa”.

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì trước nói nhiều rồi và giờ được quy phạm hóa, nhận diện theo các nhóm hành vi, biểu hiện cụ thể. Đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu thì rõ rồi, nhưng giờ quy định cụ thể phải gương mẫu, nêu gương ở từng nội dung cụ thể. Và gần đây nhất là quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

h2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong khu nhà kín của Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu (2/2017). Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trước đây chỉ là tài liệu nội bộ cho mỗi kỳ đại hội, thì hai nhiệm kỳ qua đã được quy định hóa, ban hành công khai để quần chúng, đảng viên có thể giám sát thi hành.

Vấn đề từ chức, cho thôi chức trước đây quy định chưa rõ thì nay rõ hơn rất nhiều, kèm theo là cơ chế để mọi việc diễn ra nhanh hơn, quyết liệt hơn. Đáng chú ý là hàng loạt quy định liên quan đến công tác giám sát, kiểm tra, kỷ luật được ban hành theo hướng tích hợp, tương thích giữa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhận thức mới, toàn diện về kiểm soát quyền lực

. Còn “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” nằm đâu trong dấu ấn về mặt lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

+ Lý luận của Đảng ta về kiểm soát quyền lực, về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có sự phát triển vượt bậc trong ba nhiệm kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nếu trước đây chúng ta né tránh vấn đề kiểm soát quyền lực, vấn đề tha hóa của quyền lực, thì đến lần sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh tại Đại hội XI, năm 2011, Đảng đã khẳng định kiểm soát quyền lực là một nguyên tắc của tổ chức quyền lực. Đây cũng là Đại hội giao ông Nguyễn Phú Trọng trọng trách Tổng Bí thư, để rồi 2 năm sau, nguyên tắc kiểm soát quyền lực được đưa vào Hiến pháp.

h10.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo chủ chốt Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

Và đáng chú ý, nếu Hiến pháp 2013 mới đặt vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, thì đến nay, Đảng ta đã xác định phải kiểm soát các khía cạnh của quyền lực chính trị nữa. Bộ Chính trị đã ban hành một loạt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, trong kiểm tra, thanh tra, trong điều tra, truy tố, xét xử... Tinh thần là đâu có quyền lực thì đều phải kiểm soát.

Trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền thì đương nhiên càng phải cảnh giác với nguy cơ tha hóa của quyền lực. Cùng với kết quả của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua thì ta thấy rõ dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mặt lý luận cũng như thực tiễn về kiểm soát quyền lực, mà như ông vẫn thường nói dân dã là “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

. Việc chuyển mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng từ Thủ tướng là Trưởng ban sang Tổng Bí thư làm Trưởng ban có phải là kết quả của nhận thức mới về kiểm soát quyền lực?

+ Đúng như vậy.

Ở giai đoạn mà những vấn đề hư hỏng của bộ máy, của hệ thống chính trị bộc lộ một cách gay gắt như thế này, thì đương nhiên, người đứng mũi chịu sào về công tác phòng, chống tham nhũng phải là người có quyền lực mạnh mẽ nhất. Không ai khác, đó là Tổng Bí thư.

Ngoài ra, với mô hình phân cấp mạnh mẽ về công tác cán bộ cho các tỉnh ủy, thành ủy như thế này, nếu cần phải lập Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh, thì Trưởng ban cũng phải là Bí thư Tỉnh ủy. Những việc như vậy, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đã nhận thực và đã triển khai trên thực tế.

Ngoài ra, việc tái lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính tại các Tỉnh ủy, Thành ủy, và tái lập Ban Kinh tế Trung ương, cũng là những quyết định có phần bắt nguồn từ nhận thức về kiểm soát quyền lực, cũng như nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Còn nói một cách tổng quát về lý luận xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lý luận về phòng, chống tham nhũng mà Đảng ta đạt được đến thời điểm này thì chúng ta đang kết hợp cả “đức trị” và “pháp trị”.

Chúng ta xử lý rất nghiêm cán bộ, đảng viên tham nhũng, suy thoái, nhưng vẫn tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương, làm gương, đề cao giáo dục đạo đức. Coi suy thoái về đạo đức là nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực.

h4.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hải Phòng (15/11/2017). Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Trong các phát biểu của mình, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh giải pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên lên làm đầu. Đây là điểm rất riêng có, rất phù hợp với truyền thống Việt Nam. Làm việc gì cũng phải có lý, có tình.

Tận tâm, tận lực đến hơi thở cuối cùng

. Chúng ta đã chứng kiến giọt nước mắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở nhiệm kỳ khóa XI, thấy ông đã gặp vấn đề sức khỏe ở nhiệm kỳ thứ hai khóa XII, nhưng dường như ông đã có sự thăng hoa cả về tổng kết lý luận cũng như hoạt động thực tiễn ở nhiệm kỳ thứ ba này, dù sức khỏe ngày một yếu đi…

+ Theo tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có quá trình quan sát, tích lũy, trải nghiệm kinh nghiệm hoạt động chính trị trong suốt cuộc đời mình. Với bề dày đó, ông đã nhận thức được tình hình, để rồi bước vào nhiệm kỳ Tổng Bí thư ông đã xác định ưu tiên, tìm bước đột phá hoàn chỉnh các bước tổ chức thực hiện rất bài bản.

Bắt tay vào giải quyết vấn đề phức tạp như xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi mà tình hình đã rất xấu, là chẳng hề đơn giản. Nỗ lực riêng của Tổng Bí thư là không đủ, mà còn phải tùy thuộc vào tập thể lãnh đạo ở từng giai đoạn.

Nhiệm kỳ đầu làm Tổng Bí thư, có lẽ vì vậy mà chỉ chuẩn bị một số vấn đề nền tảng về tư tưởng và tổ chức, để từ nhiệm kỳ thứ hai thì bắt đầu có những kết quả rõ rệt. Lúc đầu là xử lý những vụ việc dễ, sau đó mới đến việc khó.

Và đến nhiệm kỳ thứ ba này, công cuộc chỉnh đốn đã diễn cùng mạnh mẽ, không khoan nhượng. Và quan trọng hơn cả, lần đầu tiên, Đảng ta đúc kết được các vấn đề lớn vê lý luận, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không chỉ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà rộng hơn là lý luận về con đường đi lên CNXH ở nước ta…

Càng như vậy thì ta càng thấy rõ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tận tâm, tận lực cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho quốc gia, cho dân tộc như thế nào.

Tấm gương người đảng viên cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo mẫu mực, liêm chính

. Quan sát mạng xã hội, ghi nhận phản ánh của báo chí, thì thấy rõ tình cảm thương tiếc, trân trọng sâu sắc mà người dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mấy ngày qua, từ khi Bộ Chính trị thông báo tình hình sức khỏe của ông, và khi ông qua đời, lúc 13:38’ ngày 19-7. Ông có thể bình luận gì về hiện tượng có quy mô xã hội này?

+ Đảng ta từ khi ra đời đến nay trong lãnh đạo cách mạng luôn đề cao một nội dung cốt lõi là nêu gương. Chúng ta luôn mong muốn mỗi đảng viên là một tấm gương sáng để lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng. Với chất lượng hệ thống chính trị mà chúng ta đang chứng kiến, hẳn mong muốn ấy là rất cao.

h21.jpg
Chiều 12/12/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thân mật mời Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình dự Tiệc trà nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh là một nỗ lực như vậy. Và đến lúc này, hẳn mỗi chúng ta đã có đánh giá riêng của mình về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Tình cảm, những lời bình, cảm xúc mà người dân chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự là tấm gương sáng về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông và gia đình đã cho thấy tấm gương về một người đảng viên, một nhà lãnh đạo mẫu mực, liêm chính, trong sáng; một đời khiêm tốn, luôn suy nghĩ, hành động vì cái chung, vì quốc gia, dân tộc, nhất quán trong mục tiêu, lý tưởng của mình.

. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại một di sản rất lớn nhưng cũng còn ít nhiều dang dở. Ở thời điểm bước ngoặt này, ông nghĩ thế nào về những thách thức đang đặt ra để tiếp nối và và phát triển hơn nữa những thành quả to lớn ấy?

+ Câu hỏi, nỗi lo rất lớn của quần chúng, đảng viên là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực tới đây sẽ tiếp tục thế nào? Sự nghiệp của Đảng, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng là tấm gương sáng sẽ được phát huy thế nào?

Tôi cho rằng, đây là lúc Đảng ta, nhân dân ta cần đoàn kết xung quanh BCH Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, quyết tâm giữ đà cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cần tìm tòi các giải pháp bền vững hơn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

h7.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (Hà Nội, 10/9/2023). Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Chủ đề Đại hội XIII toàn diện lắm: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”.

Thời gian từ nay đến Đại hội XIV không còn nhiều, chúng ta hi vọng và đòi hỏi các đồng chí lãnh đạo kế nhiệm sẽ quan tâm hơn các nhiệm vụ còn lại mà Đại hội XIII đã đặt ra, qua đó tổng kết, xác định nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, cho giai đoạn tới.

. Xin cảm ơn ông!

Thực tiễn trải nghiệm chính trị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau khi được bầu vào BCH Trung ương tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ 1994, tháng 8-1996, ông được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, phụ trách công tác Tuyên giáo của Thành ủy. Tháng 3-1998, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo của Đảng.

h5.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, chiều 12/4/2017. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Từ tháng 12-1997, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, sau đó, năm 1999 ông tham gia Thường trược Bộ Chính trị của BCH TƯ khóa VIII, trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn văn kiện Đại hội IX.

Từ năm 2000, cùng với việc được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm đổi mới, chuẩn bị văn kiện Đại hội X của Đảng…

Đọc thêm