Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức...

(PLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có ‘phép thuật’ để đưa Việt Nam đứng vào nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo...

Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt 200 trí thức, nhà khoa học có nhiều thành tích, đóng góp, đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, giáo dục và đào tạo trên toàn quốc, sáng 30-12.

Còn để xảy ra tình trạng lãng phí chất xám

Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư nhấn mạnh trí thức là lực lượng đại diện cho trí tuệ, tài năng của nhân dân và dân tộc, là một trong những nguồn lực và động lực quan trọng nhất mang lại sự đột phá, sự phồn vinh cho đất nước.

“Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn luôn có truyền thống quý trọng nhân tài” - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá thành quả cách mạng, đặc biệt là thành tựu vĩ đại đạt được của đất nước sau 40 năm đổi mới, có đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu, kết quả mà đội ngũ trí thức, nhà khoa học nước ta đã đạt được trong các giai đoạn cách mạng của Đảng, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới đất nước.

Dù vậy, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ việc sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức và việc thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục triệt để.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Đảng ta đề cao, đặc biệt quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối về trí thức và huy động, sử dụng, trọng dụng trí thức, song việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển; nội dung nghị quyết của Đảng chậm được thể chế, cụ thể hoá, thậm chí đã được cụ thể hoá, thể chế hoá thì chậm được triển khai hoặc triển khai không đầy đủ.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: PHẠM HẢI

Tổng Bí thư dẫn chứng Nhà nước đã có nhiều quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ đối với trí thức như Nghị định 40/2014, Nghị định 87/2014; Luật Khoa học Công nghệ quy định chi 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học và công nghệ song thực tế chưa được hiện thực hoá…

“Nhiều tổ chức, bộ máy nhưng không rõ bộ ngành nào chủ trì quản lý, sử dụng, chỉ đạo phối hợp về trí thức, cán bộ khoa học công nghệ kỹ thuật…” - Tổng Bí thư nói và cho rằng điều này tạo ra nhiều bất cập, không quy tụ được đội ngũ chung.

Đó là chưa kể cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài còn nhiều hạn chế. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học thiếu trọng tâm, trọng điểm, dàn trải, chưa bám sát vào những vấn đề thực tiễn cấp thiết nổi lên. Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng “lãng phí chất xám”, “bạc màu chất xám”, “chảy máu chất xám”…

“Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mới công bố, chưa triển khai nhưng thấy sự hưởng ứng rất lớn” - Tổng Bí thư cho hay.

Còn một số trí thức, nhà khoa học vị kỷ, né tránh trách nhiệm

Đánh giá về việc thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học với Tổ quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng và đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Theo ông, Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã dành nguồn lực cao nhất trong khả năng có thể để đầu tư cho khoa học công nghệ, song số công trình, sáng chế được công bố trên thế giới còn ít, chưa có nhiều sáng tạo, phát kiến mang tính bứt phá; chưa nhiều các công trình sáng tạo lớn.

Đồng thời, chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ngang tầm khu vực và thế giới; hoạt động nghiên cứu khoa học còn chưa xuất phát, chưa gắn, chưa đáp ứng yêu cầu nóng bỏng của thực tiễn của đời sống xã hội; nhân tố tinh hoa và hiền tài chưa nhiều, chuyên gia đầu ngành còn thiếu hụt nghiêm trọng; đội ngũ kế cận chưa thực sự được quan tâm vun đắp, bồi dưỡng; đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng.

“Vẫn còn một số trí thức, nhà khoa học đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích quốc gia, dân tộc, vị kỷ, né tránh trách nhiệm, chưa dám dấn thân đến những nơi khó khăn, gian khổ như lớp cha anh, hiểu biết thực tiễn còn hạn chế, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’” - Tổng Bí thư nói.

Ông dẫn chứng đâu đó còn có hiện tượng một số đơn vị, cá nhân coi ngân sách nhà nước phân bổ để thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học thành “nguồn kinh tế”, “nguồn thu nhập” ngoài lương chứ không tính tới hiệu quả kinh tế- xã hội của các đề tài, công trình nghiên cứu đó. Thậm chí thờ ơ, bàng quan trong đấu tranh phê bình, tự phê bình với hiện tượng thiếu trung thực trong nghiên cứu khoa học...

Con đường giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, bứt phá…

Trong bài phát biểu trước giới trí thức, các nhà khoa học, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới nâng cao được năng suất lao động, là động lực cho tăng trưởng, là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển nhanh và bền vững ở nước ta.

“Vai trò của khoa học công nghệ rất quan trọng, không nắm bắt thời cơ đó là có tội” - Tổng Bí thư nói thêm và cho rằng chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới.

Để đạt được các yêu cầu đặt ra, Tổng Bí thư lưu ý bốn nội dung. Thứ nhất, Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền các cấp, cần đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học, với 3 vấn đề cụ thể. Đáng chú ý, Tổng Bí thư cho biết ngay trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo nội dung Nghị quyết 45 của Trung ương khóa XIII.

Theo đó, cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương, làm cơ sở ban hành, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập cũng như xác định các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút, sử dụng, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là những tài năng hàng đầu, chuyên gia đầu ngành và nhân tài xuất sắc, đào tạo và bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.

Tổng Bí thư lưu ý việc coi trọng và chú trọng tôn vinh trí thức, sớm có quy định cụ thể, lấy kết quả và sản phẩm đầu ra trên tinh thần “vì nhân dân phục vụ” là cơ sở để tôn vinh, tặng thưởng, bảo đảm thể hiện sâu sắc văn hóa coi trọng hiền tài, tránh hình thức, cào bằng, mất dân chủ.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho hay sẽ có các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới, trước hết là người đứng đầu các ban, bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp.

Đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới

Thứ hai, về phía đội ngũ trí thức, nhà khoa học, Tổng Bí thư đề nghị nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn cách mạng mới… Trong đó, sớm phấn đấu đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới; sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật chiếm lĩnh đỉnh cao; ít nhất ba tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và trên thế giới.

Đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực. “Những mục tiêu này, Nghị quyết 45 của Đảng bước đầu đã đề ra, đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần có chiến lược cụ thể bứt phá, tăng tốc để thực hiện cho được mục tiêu này” - Theo Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư yêu cầu nghiên cứu, tập trung sớm triển khai Nghị quyết 57 vừa được Bộ Chính trị ban hành, coi đây là một nguồn cảm hứng, một động năng mới, một miền đất mới, bầu trời mới cho sáng tạo của giới trí thức, nhà khoa học.

Ông lưu ý các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có ‘phép thuật’ để đưa Việt Nam đứng vào nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có năm doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030.

“Thời gian không chờ đợi ai, không thể bảo thế giới đi chậm chờ đợi mình” - Tổng Bí thư nói thêm và nhắc tới mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các “đế chế công nghệ số”…

Thứ ba, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu không ngừng củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong điều kiện mới và thu hút trí thức người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trí thức nước ngoài góp phần phát triển đất nước. “Không cản trở trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đặc biệt, Tổng Bí thư cho rằng không thể để đề tài nghiên cứu trong ngăn tủ mà phải chuyển giao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải dựa vào khoa học mới có thể nâng cao năng suất.

Thứ tư, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tới việc quan tâm giáo dục đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao. “Phát triển mà không dựa vào nhà khoa học, trí thức thì tù mù lắm. Không còn con đường nào khác” - Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới