TP.HCM gặp khó trong xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

(PLO)-  Hiện nay các Nghị định xử phạt liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm không quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính của BQLATTP, do đó sẽ gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (BQLATTP TP) vừa có báo cáo kết quả triển khai hoạt động năm tháng đầu năm 2022.

Xử lý nhiều cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo BQLATTP TP, trong năm tháng đầu năm 2022, BQLATTP TP đã tập trung kiểm tra có trọng điểm và giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đảm bảo an toàn cho sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: NGUYÊN VÕ

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: NGUYÊN VÕ

Thời gian qua BQLATTP TP đã tiến hành kiểm tra 3.342 cơ sở, phát hiện ba cơ sở vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính ba cơ sở này với số tiền là 83 triệu đồng. Tiêu hủy nhiều sản phẩm bánh và hơn 900 ký thịt heo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, Ban đã tiến hành lấy 80 mẫu thực phẩm tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn để kiểm tra các chỉ tiêu về kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật và chất cấm trong thực phẩm. Kết quả cho thấy có 75/80 mẫu đạt, các mẫu vi phạm chủ yếu là dư lượng kháng sinh tồn dư trong mẫu rau ăn lá.

Bên cạnh đó, BQLATTP TP phát triển đề án “chuỗi thực phẩm an toàn”. Theo đó, trong năm tháng qua đã tổ chức thẩm định và cấp 30 giấy chứng nhận cho 30 cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh sản phẩm chuỗi.

Khó trong việc xử lý vi phạm hành chính liên quan an toàn thực phẩm

Theo BQLATTP TP, hiện nay Ban vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, tuy tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đã có bước cải thiện nhưng hiện vẫn còn một số cơ sở chưa đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm cả hành chính và hình sự đã có nhiều thay đổi, cập nhật, bổ sung. Điều này đã góp phần răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc bất cập.

Cụ thể, đối với hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm” đã được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự 2015, nhưng khi xét đến yếu tố cấu thành tội phạm thì gặp nhiều khó khăn trong việc xác định lỗi. Các bộ chưa ban hành danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm như trong Bộ luật hình sự.

Năng lực phân tích các hóa chất, thành phần trong thực phẩm của các đơn vị phân tích còn hạn chế. Các đơn vị này chỉ phân tích các chất (thành phần) theo chỉ đạo của Bộ quản lý nhưng trong thực tế các cơ sở sử dụng các hoạt chất khác thì không có cơ sở để xử lý.

Hiện tại còn thiếu các Quy chuẩn quốc gia về các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chế biến từ nông sản nên thiếu cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp sản xuất thực phẩm giả về chất lượng. Các Nghị định xử phạt liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm không quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính của BQLATTP, do đó sẽ gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm.

Trong thời gian tới, BQLATTP TP thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và giám sát mối nguy về an toàn thực phẩm.

Phòng ngừa và hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục phối hợp với Ban quản lý các chợ kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ xây dựng mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP

Ban cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Ban trong công tác xử lý vi phạm hành chính...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm