TP.HCM xét nghiệm trường hợp có thể dương tính bệnh đậu mùa khỉ

(PLO)- Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh sẽ được cách ly y tế, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-6, Sở Y tế TP.HCM cho biết nơi đây vừa ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa trên địa bàn TP. Hướng dẫn như sau:

Trường hợp nghi ngờ: Đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau: sốt trên 38°C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược.

Trường hợp có thể: Là trường hợp nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:

- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ.

- Có các triệu chứng bệnh nêu trên đến mức phải nhập viện.

Một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Nigeria. Ảnh: THE GUARDIAN

Một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Nigeria. Ảnh: THE GUARDIAN

Hướng dẫn giám sát xử lý “trường hợp nghi ngờ” và “trường hợp có thể” như sau:

Bước 1: Tầm soát, ghi nhận người có dấu hiệu của “trường hợp nghi ngờ” tại cửa khẩu hoặc tại cộng đồng.

Tại cửa khẩu: Bộ phận kiểm dịch y tế thực hiện giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm “trường hợp nghi ngờ” bằng cách giảm sát thân nhiệt người nhập cảnh (qua máy đo thản nhiệt); giám sát các triệu chứng nghi ngờ của người nhập cảnh (qua thông báo của tiếp viên hàng không, người nhập cảnh tự khai báo…).

Tại cộng đồng: Người dân khi có các triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng như sốt trên 38°C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược thì báo ngay cho trạm y tế nơi lưu trú.

Bước 2: Khai thác thông tin về yếu tố dịch tễ.

Khi tiếp nhận “trường hợp nghi ngờ”, bộ phận kiểm dịch y tế, nhân viên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc trạm y tế (gọi chung là nhân viên y tế) thăm khám, khai thác thông tin hành chính, lập phiếu điều tra dịch tễ (những nơi đã đi qua tiếp xúc động vật hoang dã, kể cả thịt, mẫu và các bộ phận của chúng; tiếp xúc gần với người nghi ngờ hoặc xác định bệnh…) trong vòng 21 ngày.

Nhân viên y tế báo cáo nhanh cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) qua số điện thoại 02839234629 (số nội bộ 161) và gửi phiếu điều tra dịch tễ về khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm qua email dichte.ytdphcm@gmail.com.

Bước 3: Hướng dẫn “trường hợp nghi ngờ”, “trường hợp có thể” tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Đối với trường hợp không đủ yếu tố xác định là “trường hợp có thể” (chỉ là “trường hợp nghi ngờ”), bộ phận kiểm dịch y tế hoặc trạm y tế hướng dẫn đối tượng tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có dấu hiệu nặng cần đến Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được khám bệnh và theo dõi kịp thời. Hướng dẫn người bệnh mang khẩu trang y tế, di chuyển bằng xe cá nhân hoặc gọi tổng đài “115" để được hỗ trợ (hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng).

Đối với trường hợp đủ yếu tố xác định là “trường hợp có thể", bộ phận kiểm dịch y tế hoặc trạm y tế hướng dẫn đối tượng tuân thủ đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc, tư vấn người bệnh đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được khám bệnh và theo dõi.

+ Nếu người bệnh đồng ý: Khuyến khích di chuyển bằng xe cá nhân đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng .

+ Nếu người bệnh không đồng ý: Hướng dẫn di chuyển về nơi lưu trú bằng xe cá nhân (hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng) để tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. HCDC thông báo cho trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức nơi đối tượng lưu trú để giám sát và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Lưu ý: Nếu “trường hợp nghi ngờ”, “trường hợp có thể" có các dấu hiệu nặng cần nhập viện, Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ chịu trách nhiệm chuyển người bệnh đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được chăm sóc và điều trị.

Bước 4: Lấy mẫu xét nghiệm “trường hợp có thể” và báo cáo kết quả.

Nếu là “trường hợp có thể”, nhân viên y tế của trạm y tế, trung tâm y tế lấy mẫu bệnh phẩm và gửi về khoa Xét nghiệm thuộc HCDC để điều phối mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM hoặc BV Bệnh nhiệt đới.

HCDC theo dõi kết quả xét nghiệm, phản hồi kết quả cho đơn vị gửi mẫu và báo cáo về Sở Y tế TP.HCM.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh sẽ được cách ly y tế, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

HCDC điều tra các trường hợp có tiếp xúc gần với “trưởng hợp xác định" để lập danh sách, theo dõi giám sát theo quy định .

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm