TP.HCM bảo đảm đủ chỗ học cho trẻ vào lớp 1

Sáng 24-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp với Sở GD&ĐT TP.HCM cùng lãnh đạo các quận, huyện và Phòng GD&ĐT trên địa bàn. Cuộc họp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh đầu cấp.

Nâng sĩ số, cắt giảm lớp hai buổi/ngày

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết tình hình tăng dân số của quận 12 là một trong những áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương. Trung bình mỗi năm dân số của quận tăng khoảng 22.000 dân. Hằng năm, vào đợt tuyển sinh đầu cấp, nhất là lớp 1, quận gặp áp lực lớn.

Hiện nay, số trẻ trên địa bàn quận vào lớp 1 là hơn 10.000 em. Trước khó khăn về trường lớp, quận 12 đã tăng sĩ số lên 50 học sinh (HS)/lớp của 22 trường tiểu học công lập. Tuy nhiên, việc tăng sĩ số vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu học tập. Do đó, sắp tới quận tiếp tục rà soát, giảm HS học hai buổi/ngày ở 112 lớp để có đủ chỗ tiếp nhận thêm HS.

“Quan điểm của lãnh đạo quận là tạo điều kiện tốt nhất để tất cả các cháu trên địa bàn có điều kiện học tập” - phó chủ tịch UBND quận 12 nhấn mạnh.

Cùng với quận 12, quận Tân Phú cũng đang phải chịu áp lực về việc tăng dân số cơ học.

Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho hay năm học mới quận có 7.000 HS vào lớp 1. Tỉ lệ học hai buổi của quận từ lớp 1 đến lớp 5 chỉ chiếm 30%. Chủ trương của quận không phân biệt hộ khẩu và tạm trú, HS đều có chỗ học. Quận chấp nhận vượt chuẩn, sĩ số cao hơn quy định.

“Nếu xóa hết toàn bộ HS từ lớp 2 đến lớp 5 học hai buổi/ngày thì vừa đáp ứng đủ cho 100% HS lớp 1 được học hai buổi/ngày. Thế nhưng, năm học tới HS lớp 5 ra trường là 5.100 em, tương ứng quận chỉ nhận được từng đấy HS lớp 1 vào và chỉ được học một buổi. Đây là một bài toán rất khó mà chúng tôi chưa giải được” - ông Tân nói.

Do đó, ông Tân cho biết hiện quận Tân Phú xây dựng kế hoạch dạy trên năm buổi/tuần, tức là buổi thứ sáu và buổi thứ bảy các trường ưu tiên dành 10% phòng học để tổ chức dạy trái buổi.

Phụ huynh xem danh sách lớp tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 12, TP.HCM. Ảnh: AN

Xây dựng đề án hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết bình thường TP đã áp lực vì mọi năm đều tăng trung bình 50.000 HS/năm. Năm nay, do triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nên áp lực sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, vì có sự chuẩn bị của TP từ nhiều năm nay nên 19 quận, huyện đã đảm bảo đủ điều kiện dạy chương trình mới.

Trước mắt, để đáp ứng được năm học này, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu với UBND TP.HCM giảm học hai buổi/ngày, giảm từ lớp 2 đến lớp 5 để lớp 1 đảm bảo học hai buổi/ngày. Về lâu dài, TP sẽ tiếp tục xây thêm trường theo kế hoạch TP đã định ra, 300 phòng học/10.000 dân, sĩ số trên một lớp là 35 HS/lớp.

“Mặt khác, sở sẽ tập trung phát triển các trường tiểu học ngoài công lập. Và sở sẽ tham mưu UBND có chính sách hỗ trợ học phí cho những HS nghèo khi theo học lớp 1 tại các trường ngoài công lập. Đây là một kế hoạch lâu dài” - ông Nam nhấn mạnh.

Sẽ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho các năm học tiếp theo

“Đến cuối tháng 9, sau khi năm học mới ổn định, UBND TP sẽ có buổi làm việc với Sở GD&ĐT, các sở, ngành có liên quan cùng với các quận, huyện và Phòng GD&ĐT. Cuộc họp sẽ bàn phương án chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho những năm học tiếp theo cả về chỗ học và đảm bảo tiêu chuẩn chương trình mới.”

Ông DƯƠNG ANH ĐỨCPhó Chủ tịch UBND TP.HCM 

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết các quận, huyện hiện đang đứng trước hai nhiệm vụ là phổ cập giáo dục tiểu học, đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đến lớp và duy trì tỉ lệ học hai buổi/ngày theo chương trình giáo dục mới hoặc chương trình học phải đảm bảo tối thiểu sáu buổi/tuần.

Năm học này mới chỉ khối lớp 1 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng các năm tiếp theo TP sẽ triển khai chương trình này theo hình thức cuốn chiếu và áp lực về chỗ học sẽ căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, phó chủ tịch UBND TP khẳng định TP phải đảm bảo cho tất cả trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường. Để giải quyết bài toán đó, một số địa phương phải chấp nhận sĩ số HS/lớp khá cao.

Ông Dương Anh Đức đề nghị các quận, huyện phải nghiên cứu và siết chặt các kế hoạch đầu tư công để đảm bảo tiến độ cho các công trình xây dựng trường học trong địa bàn của mình.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở GD&ĐT, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xây dựng đề án hỗ trợ học phí cho HS nghèo khi học ngoài công lập. Đề án được xây dựng dựa trên nguồn lực thực tế của TP, dựa trên các quy định của pháp luật và cân nhắc đề xuất hình thức, đối tượng, định mức hỗ trợ. Căn cứ vào đề án, UBND cân nhắc và xin ý kiến thường vụ và trình ra HĐND TP.

Năm học mới, TP.HCM tăng gần 55.000 học sinh

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, dự kiến năm học 2020-2021 TP tăng 54.645 HS (48.045 công lập và 6.600 ngoài công lập). 

Nhìn chung, số HS tăng nhiều ở cấp THCS, tập trung tại một số quận (9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân) và huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) do đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới