Sáng 24-8, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp với Sở GD&ĐT, lãnh đạo các quận, huyện và phòng GD&ĐT để tìm giải pháp tháo gỡ trong công tác tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là những quận đông dân như quận 12.
Chia sẻ tại cuộc hop, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, chia sẻ tình hình tăng dân số của quận 12 là một trong những áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương. Trung bình mỗi năm dân số của quận tăng khoảng 22.000 dân. Hàng năm vào đợt tuyển sinh đầu cấp, nhất là lớp 1, quận gặp áp lực lớn.
Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức chia sẻ những khó khăn quận gặp phải trong công tác tuyển sinh vào lớp 1. Ảnh: NQ
Qua rà soát thống kế, hiện nay số trẻ trên địa bàn quận vào lớp 1 là hơn 10.000 em. Trong đó, số học sinh vào công lập là 8.150 em, số học sinh học 2 buổi/ngày chiếm 65.5%. Ngoài ra, 320 em học trường tiểu học ngoài công lập.
Hiện quận còn phải giải quyết 815 em chưa phân tuyến vào lớp 1 do KT3 dưới 1 năm. Ngoài ra còn có 669 trường hợp khác không có sổ tạm trú, mới đến sinh sống tại quận 12.
Trong thời gian quá, chị Nguyễn Thị Bội Ngọc, phường Hiệp Thành, quận 12 lo lắng vì con chưa được nhận vào lớp 1 do KT3 bị gián đoạn. Ảnh: MN
Như vậy, trong kế hoạch ban đầu, quận đưa ra chỉ tiêu 44,9 học sinh/lớp. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn về trường lớp, quận 12 đã tăng sĩ số lên 50 học sinh/lớp của 22 trường Tiểu học công lập để giải quyết hết nhu cầu về trường lớp.
Tuy nhiên, việc tăng sĩ số vẫn tiếp tục không đủ đáp ứng nhu cầu học tập. Do đó sắp tới, quận tiếp tục rà soát giảm học sinh học 2 buổi/ngày ở 112 lớp để có đủ chỗ tiếp nhận thêm học sinh.
“Quan điểm của lãnh đạo quận tạo điều kiện tốt nhất để cho tất cả các cháu trên địa bàn có điều kiện học tập” - Phó Chủ tịch UBND quận 12 nhấn mạnh.
Liên quan đến về vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở GD&ĐT TP.HCM hướng dẫn, hỗ trợ để quận 12 nhận hết học sinh đến độ tuổi vào học lớp 1.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: NQ
“Bắt buộc phải sắp xếp để tất cả học sinh đủ độ tuổi đều được đến trường. Quận 12 phải tạo điều kiện để nhận hết kể cả KT3 chưa đủ điều kiện hay các em thuộc diện tạm trú. Tuy nhiên, khi đó học sinh phải hy sinh vì chương trình mới quy định phải học 2 buổi/ngày, nhưng khi nhận hết thì các trường chỉ có thể dạy 6 buổi/tuần, đảm bảo truyền tải đầy đủ chương trình. Như vậy, mỗi em hy sinh một chút để tất cả học sinh đều có chỗ học”.
Về lâu dài, TP phải xây dựng kế hoạch khác, đây chỉ là giải pháp tình thế. Không đâu như TP.HCM, huyện Bình Chánh có 2 xã mà có đến 250.000 dân, 7 trường tiểu học nhưng vẫn thiếu. Quận 12 cũng tương tự, mỗi năm tăng thêm 22.000 người. Thực ra theo quy hoạch, quận 12 đang làm rất tốt, nhưng do có thêm nhiều khu công nghiệp mới, công nhân đến quá nhiều nên vỡ kế hoạch” - ông Đức nói.
Trước đó, báo chí có phản ánh, ngày khai giảng gần cận kề nhưng nhiều phụ huynh tại quận 12 vẫn đứng ngồi không yên, chạy vạy khắp nơi vì con mình không có chỗ học do không đủ điều kiện về sổ hộ khẩu lẫn KT3.
Năm học 2020-2021, quận 12 có số lượng học sinh vào lớp 1 hơn 10.000 trẻ nhưng không có trường học được xây mới. Toàn quận chỉ có 22 trường tiểu học công lập nên không thể đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh.