Xanh hóa những dòng kênh - Bài 2

TP.HCM cần có thêm nhiều dòng kênh xanh - sạch

(PLO)- Nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện tốt việc cải tạo kênh rạch, tuy nhiên để tiếp tục thực hiện, nhiều nơi đang cần bố trí thêm vốn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TP.HCM đã khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Đây thực sự là một tin rất vui đối với người dân sinh sống dọc tuyến kênh cũng như đối với người dân TP.HCM.

Cải tạo dòng kênh dài nhất TP

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, cho biết dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đi qua nhiều quận, huyện của TP với diện tích lưu vực 14.900 ha. “Dự án hoàn thành hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá trong các công trình hạ tầng đô thị, tạo diện mạo đô thị mới cho khu vực nói riêng và TP nói chung” - ông Dũng đánh giá.

8.200

tỉ đồng là tổng nguồn vốn đầu tư dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Dự án đi qua bảy quận, huyện của TP.HCM, bao gồm huyện Bình Chánh và các quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, với chiều dài toàn tuyến gần 32 km.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Phan Văn mãi nhận định việc triển khai thi công hoàn thành dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chắc chắn sẽ tạo nên bước đột phá cho hạ tầng đô thị TP. Đồng thời chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực nói riêng và TP nói chung. Bên cạnh đó sẽ hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua bảy quận, huyện. Đây cũng là động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết việc cải tạo tuyến kênh này có thể giúp phát triển giao thông đường thủy. Từ đó có thể giảm tải cho giao thông đường bộ, đồng thời phát triển du lịch đường thủy.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vừa được khởi công mang lại tin vui cho người dân TP. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vừa được khởi công mang lại tin vui cho người dân TP. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Mong chờ cải tạo rạch Xuyên Tâm

Ngoài dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, một trong những con kênh được người dân và chính quyền TP quan tâm, mong sớm được thực hiện đó là dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Dự án đi qua địa bàn quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp này hơn 20 năm qua vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật đã được HĐND TP thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.664 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023 đến 2028.

Dự án sẽ cải tạo toàn bộ tuyến rạch chính với chiều dài hơn 6,6 km và ba tuyến rạch nhánh có chiều dài hơn 2,2 km. Cụ thể, dự án sẽ xây dựng kè bảo vệ bằng cừ bê tông dự ứng lực, sau lưng kè gia cố xi măng. Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng hệ thống thu gom thoát nước thải, xây dựng công viên, mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11 ha. Ngoài ra, đường ven kênh rạch cũng được xây dựng với quy mô đảm bảo cho hai bờ là hai làn xe mỗi bên.

Ông Đỗ Anh Khang đánh giá hiện nay, khó khăn chung của quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh là thực hiện công tác giải tỏa đối với người dân cư ngụ, sinh sống hai bên bờ. “Dự án gặp một số khó khăn trong công tác giải tỏa. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của lãnh đạo TP và sự đồng thuận của cộng đồng dân cư hai quận, tôi tin dự án sẽ hoàn thành. Quận Gò Vấp quyết tâm vận dụng toàn bộ hệ thống chính trị cũng như các cơ quan chuyên môn để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ TP giao” - ông Khang khẳng định.

Một dự án khác hiện nay cũng được nhiều người quan tâm là dự án cải tạo kênh A41 (phường 4, quận Tân Bình). Đây là một trong những dự án thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Như Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, thông tin dự án dự kiến lắp đặt cống hộp. Kích thước của cống hộp sẽ được xác định chính xác trong bước thiết kế bản vẽ thi công sau khi thu thập đầy đủ số liệu khảo sát, tính toán phân chia lưu vực cũng như đảm bảo sự đồng bộ hệ thống thoát nước. Dự án cũng lắp đặt hố ga thu nước hai bên đường, xây dựng đường giao thông bên trên. Đồng thời xây dựng, lắp đặt hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến gồm cây xanh, chiếu sáng...•

Cần thêm vốn để tiếp tục cải tạo kênh rạch

Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, thông tin UBND TP giao UBND quận 12 làm chủ đầu tư 18 công trình nạo vét, kiên cố hóa và khơi thông dòng chảy trên một số phường. Đến nay, các công trình tại 18 tuyến kênh rạch đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả rất tốt.

Cụ thể, tổng chiều dài nạo vét, kiên cố hóa hoàn thành 18 tuyến kênh rạch là 19.164 m. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 812 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Nhận thấy việc đầu tư nạo vét, kiên cố phát huy hiệu quả rất tốt, quận 12 đã có công văn kiến nghị UBND TP, Sở KH&ĐT xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư 14 dự án nạo vét, cải tạo các tuyến kênh rạch bị ô nhiễm.

“Thực tế trên địa bàn quận vẫn còn nhiều tuyến kênh rạch chưa được thực hiện cải tạo nên vẫn còn rác, lục bình. Do đó, quận 12 cũng đang đề xuất với TP tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện các tuyến kênh còn lại. Nếu được TP quan tâm thì các tuyến kênh rạch ở quận 12 sẽ khang trang hơn và đời sống của người dân được nâng cao hơn” - ông Phúc nói.

Tại quận Bình Tân, ông Tô Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận, thông tin hiện nay nguồn vốn để cải tạo kênh rạch còn hạn chế. Hiện quận có những dự án đang triển khai để bố trí vốn cơ bản như rạch Hai Lớn, rạch Lê Công Phép, kênh Liên Khu 3-4, kênh Hãng Giấy. “Đối với những dự án đã được duyệt, quận kiến nghị các sở, ngành có liên quan bố trí thêm vốn để thực hiện” - ông Tâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm