Chiều 25-9, tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM” diễn ra phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Báo cáo quá trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố, Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan cho biết, sự phát triển của công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã tác động mọi mặt đời sống, xã hội về kinh tế môi trường; Làm thay đổi căn bản thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức dựa trên đổi mới sáng tạo; Tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam nhờ vào chuyển đổi kinh tế số có thể rút ngắn khoảng cách phát triển để bứt phá đi lên.
Theo ông Hoan, năm năm trở lại đây kinh tế TP.HCM phát triển ổn định tiếp tục giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước. Hàng năm TP.HCM đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách.
Trong sự phát triển kinh tế của thành phố ngành công nghiệp có vai trò quan trọng đóng góp cao. Trong giai đoạn 2016 đến nay với sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp TP.HCM đã có những bước phát triển vượt bậc và vững chắc dựa trên bốn ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, hóa dược cao su nhựa và chế biến lương thực thực phẩm.
Đây là những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực, ngành kinh tế khác của thành phố.
Bên cạnh những thành tựu đạt được công nghiệp thành phố đang đứng trước những thách thức.Đó là phát triển thiếu bền vững, gia công lắp ráp chiếm tỉ trọng cao, giá trị gia tăng thấp, công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, phân bổ khu công nghiệp, khu chế xuất không còn phù hợp...
Để khắc phục những hạn chế trên thì việc chuyển đổi công nghiệp của thành phố là hết sức cấp bách và cần thiết. Công nghiệp của thành phố phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chip điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghiệp xanh gắn liền với chuyển đổi số.
Phát triển các dịch vụ để hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp số như logictics, dịch vụ số, dịch vụ tài chính. Đặc biệt, phải hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh. Chuyển đổi công nghiệp của thành phố gắn với các tỉnh thành trong cả nước.
TP.HCM tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế vào phát triển công nghiệp với vai trò Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Khai thác hiệu quả nguồn nhân lực đất đai hiếm hoi của thành phố, nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả của các ngành, các sản phẩm công nghiệp.
Để chuyển đổi các ngành công nghiệp của thành phố thành công ngoài nổ lực DN, nhà đầu tư cần sự đồng hành Chính phủ, Bộ ngành trung ương và địa phương.
Trước hết là xây dựng chính sách ưu đãi mạnh mẽ khả thi của Trung ương và những chính sách thuộc thẩm quyền của thành phố. TP.HCM cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp cho DN các nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường. Tranh thủ sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức quốc tế, các thành phố ở các quốc gia trên thế giới.
Nghị quyết 31 của Trung ương và Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ hội cho thành phố giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội nói chung và phát triển chuyển đổi công nghiệp nói riêng.
“TP.HCM luôn nhận thức sự thành công của cộng đồng DN, nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh nói chung và chuyển đổi công nghiệp nói riêng chính là sự thành công của TP.HCM. Góp thêm động lực cho TP.HCM phát triển mạnh mẽ theo tinh thần TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM, vì sự thịnh vượng chung của đất nước”, ông Hoan nói.