Theo đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm của Bộ VH-TT&DL (ban hành ngày 14-7-2023), định hướng đến năm 2025 TP.HCM có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm và hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.
Để có cái nhìn rõ nét và những định hướng của ngành Du lịch, Pháp Luật TP.HCMcó cuộc trao đổi với ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM.
Du lịch gắn với kinh tế đêm TP.HCM đang rất sôi động
. Phóng viên: Xin ông hãy cho biết ý nghĩa của việc phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm trong bối cảnh hiện nay?
+ Ông Lê Trương Hiền Hòa: Hiện nay, phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm được xác định là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch sau dịch COVID-19.
Ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch, trải nghiệm ban ngày thì mỗi địa phương phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoạt động về đêm. Đây cũng là cách để thúc đẩy gia tăng chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú.
Nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong đường tour của khách, còn lại mức chi tiêu ban ngày của du khách chiếm khoảng 30%.
TP.HCM đã vận dụng những thuận lợi để phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm đang rất sôi động nhờ vào các yếu tố: văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc, trung tâm mua sắm sôi động, các tuyến phố đêm chuyên đề…
Du lịch đêm tạo nên một không gian văn hóa mới và độc đáo, du khách được tương tác với văn hóa bản địa, giúp quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống, nghệ thuật, ẩm thực của địa phương, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
. Ông có đánh giá gì về tiềm năng phát triển du lịch đêm của TP.HCM ? Những năm gần đây, ngành du lịch TP đã phát triển du lịch đêm ra sao, thưa ông?
+ Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 xác định sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du lịch thu hút du khách. Với nhiều thuận lợi cộng hưởng từ các hoạt động gắn với kinh tế đêm đã được hình thành và phát triển từ sớm và hấp dẫn vào ban đêm diễn ra xuyên suốt.
Hiện TP có gần 32.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định và cơ sở quán ăn đường phố, được đánh giá là hạ tầng đa dạng, phong phú để phát triển kinh tế đêm.
Nắm bắt thế mạnh này, TP tận dụng lợi thế ẩm thực cùng các loại hình du lịch văn hóa đặc trưng như tham quan bằng buýt hai tầng, trải nghiệm ẩm thực du thuyền, tour giải trí kết hợp ăn uống … TP có đề án phát triển kinh tế đêm và du lịch thông minh, từ đó quy hoạch 22 tuyến phố, chợ đêm.
. Có ý kiến cho rằng, thật khó có thể phát triển du lịch đêm ở TP.HCM vì không biết chơi gì cho tới sáng. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
+ TP.HCM có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm như nhiều tài nguyên du lịch và trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế, cụ thể:
Nhiều hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật như: À Ố show, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch và các show diễn đẳng cấp của các nghệ sĩ nổi tiếng; chương trình mang tên “Về Chợ Lớn xem múa lân”…
Không gian văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm như phố đêm Bùi Viện (quận 1), các tuyến phố ăn uống về đêm như Vĩnh Khánh (quận 4), Phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung – Hồ Thị Kỷ (quận 10), Nguyễn Thiện Thuật (quận 3)…. và hoạt động mua sắm, giải trí đêm tại các trung tâm thương mại lớn như Saigon Square, Takashiyama... các câu lạc bộ giải trí.
Trong thời gian tới, phố ẩm thực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) đang dần hình thành, quận 7 hình thành 3 đến 4 điểm về thương mại, ẩm thực. Một số quận, huyện khác cũng xúc tiến loạt sản phẩm du lịch.
TP.HCM sẵn sàng để thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng hoạt động, sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm. Do đó, khi TP càng được đầu tư đa dạng và phong phú các hoạt động du lịch ban đêm thì càng có khả năng giữ chân được du khách, tạo môi trường vận hành các hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư.
TP.HCM cần cơ chế, chính sách khác biệt
. Du lịch đêm TP.HCM còn thiếu điều gì để phát triển, xin ông hãy cho biết?
+ Để “thắp sáng” kinh tế đêm, TP.HCM cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế ban đêm… từ đó đưa ra phương hướng quản lý đồng bộ.
Sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, đơn vị kinh doanh và người dân còn là một rào cản trong phát triển du lịch đêm. Để làm kinh tế đêm hiệu quả cần sự vào cuộc, sự huy động nguồn lực của cả chính quyền TP, sở ngành và những người làm du lịch. Trong đó, các đơn vị tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động và phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Mỗi quận, huyện cũng cần nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế đêm phù hợp với lợi thế, đặc biệt phù hợp cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư. Quận, huyện cần tính toán kĩ lưỡng các yếu tố tác động đến địa phương dựa trên nhu cầu và việc khai thác tối đa thế mạnh. Tiếp đến, đảm bảo môi trường về tiếng ồn, chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, kinh doanh lành mạnh, không để phát sinh tình trạng chặt chém…
. Sở Du lịch sẽ tập trung đầu tư thúc đẩy du lịch đêm ra sao, giải pháp cụ thể như thế nào?
+ Để du lịch đêm trở thành đòn bẫy phát triển kinh tế, Sở Du lịch sẽ tham mưu ứng dụng của đề án du lịch thông minh của TP.HCM, ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động hóa tại các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Sở Du lịch xây dựng Đề án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch để khuyến khích các bảo tàng, khu di tích… tổ chức các chương trình tham quan, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ.
TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với các điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề. Mặt khác, TP khuyến khích đầu tư sản phẩm đường thủy gắn với hoạt động ban đêm: tàu ngủ đêm, hoạt động trải nghiệm ẩm thực và giải trí ban đêm trên tàu... Cuối cùng là xây dựng kế hoạch về khai thác hệ thống di sản, di tích phong phú.
. Xin cảm ơn ông.
TP.HCM cần chương trình nghệ thuật thực cảnh hoành tráng
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch văn hóa có đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng lên 15% mỗi năm.
Riêng tại TP.HCM có khoảng 56% khách quốc tế chủ yếu tìm hiểu về giá trị văn hóa – lịch sử, trong khi đó khách nội địa tìm hiểu về giá trị văn hóa – lịch chiếm khoảng 28%.
Vì vậy, ngành du lịch TP cũng cần phát triển một chương trình nghệ thuật thực cảnh làm điểm nhấn trong chương trình tham quan với bản sắc riêng, có chiều sâu của văn hóa, lịch sử và có độ hoành tráng và sự mới mẻ theo xu hướng của thế giới.