TP.HCM: Chưa có ca nhiễm độc chì do thuốc cam

Trước thông tin thuốc cam (một loại thuốc cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt, giải độc) gây ngộ độc chì cho trẻ em đang rộ lên ở các tỉnh phía Bắc, PV Pháp Luật TP.HCM đã đi tìm hiểu về loại thuốc này tại TP.HCM.

Thuốc có đăng ký bị vạ lây

Tại nhà thuốc ở địa chỉ 57A Bình Giã, Tân Bình (TP.HCM), nghe PV hỏi mua thuốc cam, ông Tuấn đưa xem loại dạng bột đựng trong hộp nhựa 80g có tên Cam Hàng Bạc (nhãn hiệu Con hươu). Thuốc này được sản xuất tại cơ sở thuốc y học cổ truyền Nhân Phong Đường (287 Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM), có số đăng ký VND-4312-05.

Thuốc được chỉ định cho trẻ kém ăn, ít ngủ, gầy yếu, đổ mồ hôi trộm, suy dinh dưỡng, các chứng bệnh cam (còn gọi là bệnh viêm lợi với các biểu hiện sưng đỏ, chảy máu, hôi miệng, lưỡi trắng… - PV), giun đũa, giun kim. Thuốc chỉ dùng cho trẻ từ ba tháng đến 14 tuổi.

Ông Tuấn cho biết Cam Hàng Bạc là thuốc gia truyền lâu đời của gia đình, cung cấp cho nhiều nơi. Việt Nam chỉ có hai cơ sở sản xuất thuốc cam được Bộ Y tế cho phép, đó là cơ sở Nhân Phong Đường và một cơ sở tại Hà Nội. “Hằng năm cơ quan chức năng đều lấy mẫu thuốc cam của Nhân Phong Đường xét nghiệm, kết quả luôn đạt” - ông Tuấn cho biết thêm.

Theo ông Tuấn, vừa qua có thông tin nhiều trẻ tử vong do sử dụng thuốc cam khiến thuốc cam hàng Bạc bị vạ lậy, sản lượng sụt giảm. “Hiện có nhiều loại thuốc cam giả, tôi chắc trẻ tử vong là do sử dụng thuốc cam trôi nổi, không nguồn gốc” - ông Tuấn nói.

TP.HCM: Chưa có ca nhiễm độc chì do thuốc cam ảnh 1

Thuốc Cam Hàng Bạc của cơ sở Nhân Phong Đường. Ảnh: TRẦN NGỌC

TP.HCM chưa phát hiện

Thuốc Cam Hàng Bạc của cơ sở Nhân Phong Đường còn được bày bán tại địa chỉ 447B Hai Bà Trưng, quận 3 (TP.HCM). Người bán cũng cho biết mặc dù thuốc có đăng ký hẳn hòi nhưng không ít người ngần ngại sử dụng do có thông tin trẻ tử vong sau khi dùng thuốc cam.

Tại nhà thuốc ở địa chỉ 20/408 Lê Đức Thọ, Gò Vấp (TP.HCM), người bán cho biết trước đây ngoài thuốc Cam Hàng Bạc của Nhân Phong Đường, nhà thuốc còn bán thuốc cam từ Hà Nội chuyển vào. Nay xảy ra vài ca tử vong tại các tỉnh phía Bắc nên tiệm tạm ngưng lấy thuốc cam của Hà Nội, chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết BV chưa điều trị trường hợp trẻ ngộ độc chì do thuốc cam. Tương tự, BS Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), cũng xác nhận BV chưa tiếp nhận trẻ bị nhiễm chì do sử dụng thuốc cam.

Liên tục có trẻ đến khám vì dùng thuốc cam

Trong những ngày qua, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã tiếp nhận rất nhiều trẻ đến khám do dùng thuốc cam. Chỉ tính trong ngày 19-4, đã có 50 trẻ đến khám, trong đó khoảng 10 cháu phải nhập viện vì tình trạng nhiễm độc chì.

Theo Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, từ tháng 11-2011 đến tháng 4-2012, trung tâm này đã tiếp nhận 130 trường hợp đến khám vì ngộ độc chì, trong đó đến gần 94% là trẻ nhỏ. Còn tại BV Nhi Trung ương, cũng trong khoảng thời gian này đã có nhiều trường hợp trẻ tử vong do thuốc cam nhiễm chì.

Tại cuộc họp mới đây của Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ yêu cầu Cục Quản lý Dược ra thông báo chính thức của Bộ Y tế là cấm lưu hành các loại thuốc cam không có số đăng ký, không rõ nguồn gốc; Viện Kiểm nghiệm thuốc tăng cường lấy mẫu kiểm tra các loại thuốc cam trên thị trường; Vụ Y dược cổ truyền phối hợp với các đơn vị phân tích nguyên nhân ngộ độc, đề xuất các biện pháp tăng cường phòng, chống ngộ độc chì, đặc biệt là trẻ em; Hội đồng Dược điển Việt Nam có kế hoạch xây dựng chuyên luận về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng (chì, asen…) trong dược liệu, thuốc từ dược liệu… Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các Sở Y tế thanh tra, kiểm tra và thu hồi các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc.

Tử vong không phải do nhiễm chì?

Hôm qua (20-4), các báo đồng loạt đưa tin một cháu bé tám tuổi tử vong ở BV Nhi Trung ương là do nhiễm độc chì với nồng độ cao. Bệnh nhi này là cháu Nguyễn Thị Ngọc H. (tám tháng tuổi, ở Hà Nội) được chuyển tới BV Nhi Trung ương đã ở trong trạng thái co giật, hôn mê và được điều trị cấp cứu. Dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng cháu đã không qua khỏi sau một ngày nhập viện.

Tuy nhiên, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, khẳng định cháu bé tử vong không phải do nhiễm độc chì, mà nguyên nhân gây tử vong là do cháu bị viêm màng não.

Ông Điển cho biết cách đây hai tuần, cháu bé được gia đình cho uống thuốc cam và khi xét nghiệm tại BV Nhi Trung ương thì nồng độ chì trong người cháu bé khá cao, lên tới hơn 200 microgam/100 ml, tức là gấp 10 lần hàm lượng cho phép. Tuy nhiên, theo TS Điển, đây không phải là nguyên nhân gây tử vong cho cháu bé.

(Theo VOV)

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm