Ngày 13-8, nói về việc TP sẽ được tự tổ chức kiểm tra và công nhận tốt nghiệp cho học sinh cuối bậc THPT, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết Bộ GD&ĐT đã đồng ý về mặt chủ trương nhưng lộ trình và cách thực hiện như thế nào thì Sở mới trình và đang chờ Bộ duyệt. Nếu Bộ đồng ý thì TP sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2016-2017 này.
Theo ông Hoàng, chủ trương này bắt nguồn từ một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT. Bộ cũng giao quyền chủ động cho các trường được điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu, từ đó sẽ kéo theo việc chủ động đánh giá, công nhận tốt nghiệp.
Học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại TP.HCM. Ảnh: P.ANH
Trao đổi thêm về phương án thực hiện, ông Hoàng cho biết trước mắt sẽ có hai phương án, một là thi theo đề thi do Bộ GD&ĐT quy định, hai là TP tự ra đề thi.
“Nếu TP tự ra đề thi, cơ cấu các môn thi có thể gồm các môn cơ bản như hai môn văn, toán hoặc bs môn văn, toán, ngoại ngữ và có môn tự chọn. Đề thi cũng sẽ ra theo hướng giảm nhẹ, phù hợp với năng lực học tập thực tế của học sinh TP. Với phương thức này, ngay từ lớp 10, học sinh sẽ định hướng được các môn học của mình cho thật tốt” - ông Hoàng nói.
Ông Hoàng nói thêm nếu thực hiện theo phương án trên, TP sẽ làm việc với các trường ĐH về chủ trương này vì đa số các trường ĐH tập trung tại TP. Khi đó, nếu các trường ĐH muốn thêm một kỳ kiểm tra trình độ học sinh nữa thì có thể làm theo phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội, tức là có một bài khảo sát theo hướng đánh giá tư duy, năng lực học sinh.
Trước đó, văn bản liên tịch ngày 5-8 giữa Bộ GD&ĐT và UBND TP.HCM đã thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về các đề xuất của TP tại cuộc họp bàn về phát triển GD&ĐT cho TP diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua. Trong kết luận này, Bộ trưởng nêu rõ sẽ tăng cường phân cấp cho TP thực hiện hầu hết khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.